Níu thời gian - Gỡ nỗi đau

Thứ sáu - 15/07/2022 10:09

Níu thời gian - Gỡ nỗi đau

Tôi mượn ý thơ của nhà thơ Phạm Thông để viết về anh - anh Đặng Ngọc Nga. Anh sinh năm 1955, hiện là cán bộ hưu trí sinh sống tại khối phố An Đông, Thị trấn Tân Bình, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam.
Người cựu chiến binh có ba năm là Du kích địa phương, có 4 năm tham gia Lực lượng Thanh niên xung phong, có 7 năm tham gia nghĩa vụ Quốc tế tại chiến trường Campuchia và 24 năm công tác tại huyện nhà; người anh cùng quê hiền lành, giản dị, chân tình đã để lại trong tôi và trong rất nhiều người ấn tượng tin yêu khi lần đầu được tiếp xúc trò chuyện. Người Đội trưởng nhiệt tình, chu tất trong việc hỗ trợ thân nhân tìm kiếm mộ Liệt sĩ tại huyện Hiệp Đức mà theo anh là cái duyên, cái nghĩa tình được đồng đội trao gởi.

Anh bảo anh là người may mắn hơn nhiều đồng đội khi đi qua hai cuộc chiến tranh tàn khốc mà vẫn còn lành lặn trở về. Sự nguyên vẹn còn có được theo anh là ơn sẻ chia của đồng đội giữa muôn vàn mưa bom bão đạn. Để bây giờ tự nhủ với lòng mình anh phải làm một điều gì đó xứng đáng với nghĩa tình này. Và, mẹ anh - người thắp cho anh ngọn lửa nhân văn về những việc làm ý nghĩa đó bằng ám ảnh hãi hùng về cuộc hành quyết ba chiến sĩ cách mạng của kẻ thù trong một trận đánh ở đồi Bời Lời (nay thuộc thị trấn Tân Bình) vào năm 1970. Anh kể: Năm 1970, mẹ tôi bị địch bắt nhốt tại quận Hiệp Đức. Sau trận đánh ở đồi Bời Lời, địch đem về ba xác chết chúng gọi là cộng sản, đem phơi mưa nắng để thị uy và đe dọa. Lâu ngày, xác phân hủy và bốc mùi hôi thối thì chúng bắt những nữ tù nhân trong quận phải đi chôn cất để chúng rêu rao tuyên truyền. Khá lâu sau ngày hòa bình mẹ tôi đã cùng với các đồng chí trong Ban chỉ huy quân sự huyện Hiệp Đức đi tìm kiếm nhiều lần trong sự chỉ dẫn của mẹ nhưng vẫn không thành vì những thay đổi về địa chất và sự tác động do canh tác của Nhân dân. Đau đáu mãi nỗi niềm này trong những ngày lâm bịnh rất nặng mẹ tôi vẫn thường căn dặn tôi nếu có điều kiện thì cố gắng tìm kiếm mà đem họ về nghĩa trang liệt sĩ kẻo tội.
Thực hiện tâm nguyện của mẹ, năm 2010, khi được giải quyết chế độ nghỉ hưu tại cơ quan, anh bắt tay vào việc ngay. Anh bàn cùng với anh em Hội CCB của khối phố An Đông phối hợp cùng các đồng chí Huyện đội và Phòng Thương binh xã hội huyện lên lại đồi Tranh nơi mẹ anh kể để tìm kiếm. Kết quả may mắn không phụ lòng người, chuyến đi đã quy tập và đưa được ba liệt sĩ về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Quế Thọ.

Và lạ thay từ cuộc tìm kiếm thành công ấy đã đem lại cho anh một năng lượng tích cực, một niềm phấn khích lớn trong công việc truy tìm thông tin và giúp đỡ những gia đình liệt sĩ. Với đồng lương ít ỏi anh dành dụm mua một cái máy ảnh và chiếc điện thoại bàn để tiện liên lạc. Những ngày nghỉ việc tại cơ quan một mình anh len lỏi đến các nghĩa trang trong huyện để chụp lại toàn bộ các bia mộ liệt sĩ để lấy thông tin rồi tìm đến các cơ quan chức năng thuyết phục đề nghị cung cấp tàng thư những ngôi mộ được đưa về nghĩa trang sau năm 1975 mà đối chiếu, phân tích, sàng lọc về thân nhân, quê quán, đơn vị và nơi hy sinh để viết thư gởi báo cho gia đình. Một mình anh làm tất cả những công đoạn đó một cách say mê, miệt mài như duyên nợ. Mỗi cánh thư đi là mỗi niềm chờ đợi trông ngóng riêng anh. Và, nhiều thân nhân liệt sĩ đã vui mừng tìm đến với anh, đến với quê hương Hiệp Đức. Có những gia đình quá khó khăn anh đã bàn với vợ đưa họ về gia đình mình lo cơm nước, ngủ nghỉ miễn phí và đồng hành cùng họ suốt trong quá trình tìm kiếm. Anh kể: vào năm 2014 trong một lần nói chuyện với thân nhân một liệt sĩ ở Hà Bắc tôi được biết quá trình đi tìm mộ của gia đình quá vất vả và tốn kém. Lúc bấy giờ đường sá đi lại còn khó khăn, chỉ đi toàn xe ôm mà giá cả quá đắt. Tôi về bàn với anh em hội Cựu chiến binh trong khối phố và thống nhất đứng ra lập “Đội xe máy nghĩa tình” để chủ yếu kêu gọi mọi người trong hội giúp đỡ đưa đón và hỗ trợ những thân nhân liệt sĩ các nơi về Hiệp Đức tìm kiếm mộ liệt sĩ. Xe ôm miễn phí không nhận bất cứ một đồng thù lao nào lại còn giúp đỡ tận tình chu đáo trong suốt quá trình. Ban đầu chỉ có 07 hội viên tham gia nhưng sau đó thì lan tỏa ra với số lượng nhiều hơn.
Và, hành trình hỗ trợ tìm kiếm mộ liệt sĩ của Đội ngày càng mở rộng biên độ xa hơn, với quy mô và có tầm ảnh hưởng rộng hơn mà anh Đặng Ngọc Nga là vai trò đầu tàu thúc đẩy. Hình thức ban đầu với tên gọi “Đội xe máy nghĩa tình” thì sau này chuyển thành “Đội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Cựu chiến binh Hiệp Đức” với mô hình hoạt động phong phú và đa dạng hơn. Nếu lúc đầu chỉ là giúp đỡ những thân nhân đến tìm mộ tại Hiệp Đức thì bây giờ anh Nga và Đội đã đồng hành cùng các gia đình liệt sĩ đến các nơi trong địa bàn tỉnh Quảng Nam và các tỉnh bạn; nếu trước đây chỉ ngồi đợi thân nhân liệt sĩ tìm đến hoặc qua thư tay gởi đường bưu điện thì bây giờ bằng các hình thức thông tin hiện đại, Đội đã kết nối, thông báo hướng dẫn cho những gia đình liệt sĩ dễ dàng đến nơi và phối, kết hợp trong những lần tìm kiếm. Công việc không đơn giản một chút nào, từ khâu phát hiện, nắm bắt, tra cứu, thông báo, phối hợp, đến làm lễ tiễn đưa đón nhận hài cốt là cả một chặng đường gian nan vất vả. Anh và toàn Đội vẫn vui vẻ tận tâm, tận lực làm hết sức mình trước sự yêu cầu của công việc và gia đình liệt sĩ. Đã có hàng trăm lượt thân nhân liệt sĩ các nơi đến với quê hương Hiệp Đức, tìm đến với anh Nga để cùng xác minh, xác nhận và làm thủ tục đưa hài cốt của người thân mình về với quê hương. Những giọt nước mắt hạnh phúc, những lời cảm ơn chân thành của những thân nhân gia đình liệt sĩ trước những kết quả đạt được đã thôi thúc anh Nga và toàn Đội càng nỗ lực hơn nữa trong việc truy tìm, tra cứu hồ sơ, xác định tọa độ, liên kết cùng các địa phương và đề ra những giải pháp xử lý cụ thể. Anh bảo: Mình và anh em trong đội chỉ có tấm lòng mà công việc thực tế thì đòi hỏi những yêu cầu cao hơn, anh em trong Đội đa số là người cao tuổi, sức khỏe kém... nên nhiều khi phải cố gắng rất nhiều. Có lần mình và toàn đội đi khảo sát thông tin về mộ liệt sĩ được chôn nơi Núi Gai (Bình Lâm) thì nhận được điện thoại nhờ giúp của gia đình liệt sĩ Trương Văn Hảo ở Hà Tĩnh. Trời thì nắng như đổ lửa lại chuẩn bị ăn trưa nhưng mình đành bỏ dở để kịp thời đi bộ xuống núi về trung tâm chợ Việt An – nơi có mạng để gởi thông tin về cho gia đình liệt sĩ đang mong đợi. Trường hợp gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Lộc ở Chí Linh, Hải Dương là một trường hợp quá đau lòng. Khi mình tìm hiểu thông tin và được biết chính xác liệt sĩ đã hy sinh tại Hiệp Đức và chôn cất tại nghĩa trang. Mình liên hệ với gia đình thì gặp con trai của liệt sĩ là Nguyễn Văn Sơn thông báo là trước đây đã tìm được hài cốt cha mình rồi tại thành cổ Quảng Trị. Mình rất hoang mang, thế nhưng chỉ nửa tháng sau anh Sơn thông báo là có sự nhầm lẫn ở lần tìm trước tại Quảng Trị và thành tâm nhờ mình và anh em giúp đỡ để xác định và di đời hài cốt chính xác của cha anh về với quê hương. Rứa là vui rồi. Vui vì đã tìm được địa chỉ chính xác của thân nhân liệt sĩ và vui vì niềm tin tuyệt đối của họ kỳ vọng ký thác cho mình là đúng. Là vậy, trên bước đường hỗ trợ tìm kiếm phần mộ liệt sĩ ngoài sự cố gắng của toàn Đội, mình luôn tin vào sự “phù hộ” của các hương hồn liệt sĩ vẫn ở bên và giúp đỡ mình. Trong lần tìm kiếm và đưa 07 hài cốt liệt sĩ là con em của quê hương Hiệp Đức tại nghĩa trang liệt sĩ Đăk Đoa (Gialai) với phần mộ liệt sĩ Lê Văn Tá hy sinh năm 1978 là một ví dụ. Hình như hương linh của các anh cũng chờ đợi ngày trở về quê hương nên cũng nắm níu, nhắc nhở, trách hờn.

Bởi vậy, trong suốt những năm qua đã có gần 50 ngôi mộ liệt sĩ có tên trong nghĩa trang được anh cung cấp thông tin cụ thể trên mọi giao diện về cho gia đình được biết để an tâm và có kế hoạch lâu dài;  hỗ trợ, tham mưu và hoàn chỉnh thủ tục cùng gia đình để di dời 23 mộ liệt sĩ về với quê hương; có 05 mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ Bắc Trà My, Quế Châu, Quế Hiệp, Tam Dân và hơn 20 mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trong huyện được xác định và làm thủ tục di chuyển đưa về an táng tại quê nhà ngoài Bắc. Đặc biệt, anh chủ động tư vấn cho Phòng Lao động thương binh và xã hội huyện phối hợp cùng với hội Cựu chiến binh của huyện và xã cùng với Ban Liên lạc Cựu chiến binh e31 (Đà Nẵng) tổ chức được 03 cuộc họp chuyên đề trao đổi xác định thông tin trên những bia mộ vô danh để có cơ sở giúp cho thân nhân tiếp tục làm các thủ tục tìm kiếm mộ tiếp theo.

Với tất cả những gì đã làm được trong 10 năm sau khi nghỉ hưu, cựu chiến binh Đặng Ngọc Nga đã được trao tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp chính quyền, của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và của hội Cựu chiến binh các cấp. Đặc biệt anh là đại biểu ưu tú duy nhất của hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Nam được bầu dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X (năm 2020) tại Hà Nội. Anh là tấm gương sáng trong phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm rạng danh phẩm chất “bộ đội cụ Hồ” trong nghĩa tình đồng đội. Một việc làm ý nghĩa thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, góp phần quan trọng trong thực hiện chính sách “Đền ơn đáp nghĩa” của Đảng và Nhà nước xuyên suốt thời gian qua; là dấu ấn thân thương, tin cậy, nghĩa tình, mến khách của con người Hiệp Đức trong mắt bạn bè nơi xa; là nghĩa cử cao đẹp về tính thiện lương của con người thấu cảm cùng tận về nỗi đau mất mát của thân nhân liệt sĩ.

Chừng ấy thôi cũng là phần thưởng xứng đáng làm ấm lòng cho hành trình nhân văn cao cả của anh và toàn Đội để tiếp tục Níu thời gian, gỡ nỗi đau/Đi tìm đồng đội rừng sâu gởi mình (Tìm đồng đội - Phạm Thông) với thường trực câu hỏi đầy ám ảnh: Nơi nào cất giấu hình anh/ Nơi nào giấu cuộc chiến tranh thuở nào/ Nơi nào mưa thấp mây cao/Nơi nào tên tuổi chìm vào đất đai? (Ru đồng đội - Quang Chuyền) Để anh thanh thản thì thầm cùng với các anh linh anh hùng liệt sĩ, với đồng đội đã ngã xuống vì sự bình yên của đất nước, của dân tộc Việt Nam thương yêu rằng Tổ quốc không đánh mất tên anh (Xin đừng gọi anh là liệt sỹ vô danh - Văn Hiền) mà hãy cho chúng tôi thời gian cần thiết để được đón các anh về. Làng đón bạn về bạn ạ/ Như ngày làng tiễn ta đi/ Chỉ khác xưa những bàn tay vẫy/ Nay nâng niu hài cốt bạn về (Bạn về - Vũ Toàn)
Cầu mong cựu chiến binh Đặng Ngọc Nga và “Đội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Cựu chiến binh Hiệp Đức” chân cứng đá mềm, luôn phát huy phẩm chất kiên cường của người lính trên bước đường thực hiện những điều tốt đẹp cho cộng đồng./.  

Tác giả bài viết: Thái Bảo - Dương Đỳnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản mới

KH 119

KH 119 TẬP HUẤN NĂM 2020

Lượt xem:2482 | lượt tải:0

KH 118

KH 118 CÁC HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN VÙNG CAO XÃ PHƯỚC GIA

Lượt xem:2528 | lượt tải:0

KH02

KH 02 LIÊN HOAN TCM

Lượt xem:2244 | lượt tải:0

111

KẾ HOẠCH 111 - CHIẾN DỊCH TNTN HÈ 2020

Lượt xem:2864 | lượt tải:0

KH105

KH 105 TỔ CHỨC SƠ KẾT GIỮA NHIỆM KỲ

Lượt xem:2619 | lượt tải:0
Tin tiêu điểm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây