Mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo

Thứ ba - 08/03/2022 17:13

Mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo

Ông Huỳnh Tấn Học sinh ra và lớn lên ở thôn Phú Nhơn, xã Quế Lưu, trong một gia đình nghèo về vật chất nhưng giàu truyền thống cách mạng. Tròn 78 tuổi đời với 55 tuổi đảng, ở cái tuổi thất thập cổ lai hy đúng ra đã được nghỉ ngơi an hưởng tuổi già, ấy vậy mà với ông “còn một hơi thở là còn cống hiến cho quê hương, đất nước”. Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn thầm lặng đóng góp sức mình xây dựng Đảng, chính quyền địa phương bằng những việc làm ý nghĩa dù là nhỏ nhất.
Kể lại thời kỳ chiến đấu oanh liệt của một thời trai trẻ, ông sôi nổi, tự hào: “Năm mười tám tuổi đã ấp ủ trong tim con đường cách mạng để cống hiến sức trẻ cho quê hương”. Ông tham gia thanh niên xã, đến năm 1965 ông làm Bí thư chi đoàn của xã Sơn Hiệp (nay là xã Quế Lưu), đến năm 1966, thoát li đi bộ đội thanh niên xung phong của tỉnh ở Cục Hậu cần Quân khu 5, ông làm Đại Đội trưởng.

Sau khi thành lập huyện Quế Tiên, tháng 9 năm 1969, chi bộ xã Sơn Hiệp bầu ông làm Bí thư chi bộ xã, đến năm 1972 ông bị địch bắt đưa đi tù đày tại Côn Đảo. Thời gian bị giam cầm trong nhà lao, đối diện với những cuộc tra tấn bằng những hình thức dã man…khiến ông nhiều lần chết đi sống lại. Ông nói: “Có lúc chịu không nổi trong đầu cũng thoáng nghĩ đến cái chết nhưng chết là có tội với Tổ quốc, với mẹ cha, chính vì thế tôi quyết định phải sống để tiếp tục hoạt động cách mạng ở trong tù”.

Trong thời gian này, ông vẫn được bầu làm Bí thư hoạt động ở trong tù với 14 đồng chí đảng viên, cũng là những người tham gia cách mạng bị bắt. Thời gian đầu hoạt động rất khó khăn, dù bị đánh đập tra tấn dã man nhưng ông và những đồng chí của mình vẫn không khai ra công việc và nhiệm vụ đang làm, ông bị tra tấn đến nỗi chết đi sống lại 04 lần. Thấy ông cứng rắn không chịu khuất phục, bọn chúng dùng thủ đoạn trải lưới gai nhọn buộc ông phải cởi trần lăn qua; không chỉ có vậy, chúng còn dung dùi cui, roi điện, roi da đánh tới tấp từ đầu tới chân. Trải qua các trận đòn roi thập tử nhất sinh, ấy vậy mà người chiến sỹ ấy cùng các đồng đội của mình vẫn bất khuất, kiên cường, vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, người đảng viên kiên trung với tất cả lòng quyết tâm Thà hy sinh tất cả, quyết không lùi bước trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập. Dẫu mang trên mình hàng trăm vết thương tra tấn, hủy diệt của kẻ thù nhưng ông không hề run sợ, gục ngã trước nỗi đau thể xác mà vẫn hừng hực khí thế đấu tranh kiên cường khiến cho kẻ thù phải run sợ.

Năm 1973, được trao trả trở về Nông trường Đức Phú (Quảng Nam) Tại đây ông kết duyên với đồng chí Phạm Thị Xin – cũng là một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, có với nhau được hai người con. Ông và vợ đều mong muốn con cái ngoan ngoãn, thành tài; ông luôn khuyên nhủ các con phải cố gắng học tập để trở thành người tốt, giúp ích cho xã hội.

Niềm khao khát cống hiến cho quê hương luôn thôi thúc, cháy bỏng trong ông. Sau khi chia tách xã Quế Tân thành ba đơn vị hành chính mới là Quế Bình, Quế Tân và Quế Lưu, Đại hội chi bộ xã Quế Lưu nhiệm kỳ 1983-1985, ông là một trong những Chi ủy viên được bầu tại Đại hội với chức vụ Trưởng Công an xã. Đến năm 1986 ông được bầu làm Bí thư Đảng bộ xã Quế Lưu rồi lần lượt các chức danh: Trưởng Ban liên lạc Tù yêu nước, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh…Trên các cương vị được giao, ông cùng với tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ xã thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ trọng tâm, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần công sức đưa địa phương ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh.

Hiện nay, dù đã về hưu nhưng đối với địa phương nói chung và thôn Phú Nhơn nói riêng, trong các buổi hội nghị đảng bộ hay sinh hoạt chi bộ, hội họp ông vẫn tham gia đầy đủ, đúng giờ và gương mẫu; tham gia góp ý những mặt làm được, chưa làm được của Đảng bộ, chi bộ, của thôn để xây dựng địa phương, xã nhà ngày càng hoàn thiện.
Đặc biệt trong thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, từ những việc làm của ông như thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu hằng ngày đến vận động bà con hiến đất mở đường giao thông, hiến đất mở trạm hạ thế đưa điện về thôn, cùng vận động bà con đối ứng tiền để xây dựng cổng làng văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch đẹp… đã có ý nghĩa hết sức to lớn trong sự thay đổi bộ mặt của thôn. Bản thân ông và gia đình luôn gương mẫu, tiên phong đi trước, sau đó vận động người thân, bà con nhân dân cùng tham gia.

Trong công tác Đảng, ông luôn tâm huyết mong muốn thế hệ trẻ tiếp bước truyền thống cách mạng của thế hệ đi trước. Thời gian đầu khi mới chia tách, chi bộ 4 (nay là chi bộ Phú Nhơn) chỉ có 05 đảng viên. Xác định phát triển đảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng nhằm xây dựng lực lượng kế thừa ở địa phương, được sự phân công của chi bộ về kèm cặp, giúp đỡ và phát triển đảng viên trẻ, ông tới từng nhà vận động các thanh niên trẻ tham gia công tác địa phương để từng bước phấn đấu được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn, đa số thanh niên đi học xong ra ngoài làm việc, số còn lại đi làm ăn xa không thể kết nạp đảng nhưng với tinh thần nhiệt tình trong cuộc vận động và đi sâu sát đến từng thanh niên để phân tích, cảm hóa, giác ngộ con đường vào đảng là đúng đắn nên đến nay chi bộ đã có 10 đảng viên.

Ông không ngại chia sẻ kinh nghiệm lãnh đạo, góp ý các văn kiện, báo cáo, kế hoạch, đánh giá những việc làm được cần phát huy và nhân rộng, những mặt hạn chế cần khắc phục. Ông luôn tạo mọi điều kiện để giúp đỡ các đồng chí đảng viên trẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những cống hiến của ông dù ở thời chiến hay thời bình đều mang ý nghĩa vô cùng to lớn đó là tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của đảng; trung thành với Tổ quốc và nhân dân; kiên định lập trường cách mạng và trau dồi, rèn luyện ý chí cộng sản kiên cường, cảnh giác trước mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù.
Trong một góc căn nhà ông, những tấm bằng khen, huân, huy hương, huy hiệu 40, 45, 50 năm tuổi Đảng cùng các Kỷ niệm chương mà nhà nước đã trao tặng được ông giữ gìn rất cẩn thận, bố trí gọn gàng. Mới đây ông vinh dự được Ban chấp hành trung ương Đảng mời gặp mặt những người là cấp ủy đảng trong tù tại Hà Nội, gặp các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, được trò chuyện và được tặng quà lưu niệm. Hằng năm, ông được đưa đi an dưỡng tập trung định kỳ để khám sức khỏe. Đó cũng là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với ông lúc này, là động lực để ông tiếp tục sống vui vẻ tuổi già và cống hiến cho quê hương đến hơi thở cuối cùng. Con người ấy, trái tim ấy mãi sáng trong tâm mọi người./.

Tác giả bài viết: Huỳnh Thị Mỹ Hoa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản mới

KH 119

KH 119 TẬP HUẤN NĂM 2020

Lượt xem:1062 | lượt tải:0

KH 118

KH 118 CÁC HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN VÙNG CAO XÃ PHƯỚC GIA

Lượt xem:980 | lượt tải:0

KH02

KH 02 LIÊN HOAN TCM

Lượt xem:928 | lượt tải:0

111

KẾ HOẠCH 111 - CHIẾN DỊCH TNTN HÈ 2020

Lượt xem:1253 | lượt tải:0

KH105

KH 105 TỔ CHỨC SƠ KẾT GIỮA NHIỆM KỲ

Lượt xem:1049 | lượt tải:0
Tin tiêu điểm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây