Trọn 30 năm theo nghề “trồng người”, với tư duy khoa học của một cô giáo môn Công nghệ, cô ý thức rất rõ trách nhiệm phải giúp học sinh hình thành lối sống lành mạnh, thân thiện với môi trường, ý thức bảo vệ môi trường. Nếu có chút tò mò tìm hiểu, chúng ta có thể rất dễ nhận biết ngoài khoảnh khắc thời gian đứng trên bục giảng, cô rất yêu và trân quí giá trị môi trường sống xung quanh. Điều đó được thể hiện cụ thể từ những việc làm cụ thể của cô mà khi bắt gặp chắc hẳn chúng ta sẽ rất ngưỡng mộ, cảm kích về những hành động nhìn thì dễ nhưng để làm được thường xuyên thì chẳng có mấy ai đủ kiên trì.
Trò chuyện cùng cô khi cô vừa đi chợ về, tôi thật sự ấn tượng về cô bởi khi đã ngoài tuổi 50, cô vẫn giữ được dáng người thon gọn, trẻ trung, cử chỉ, lời nói hoạt bát và thân thiện. Trên tay cô là chiếc giỏ nhựa đầy ắp những thực phẩm tươi ngon được cô cẩn thận lựa chọn. Một điều đặc biệt chúng tôi phát hiện ra trong giỏ thực phẩm của cô là không có bất cứ một bao bì ni lông nào. Trước khi ra chợ, những ô, hộp đựng thực phẩm đã được cô chuẩn bị sẵn. Khi mua những thực phẩm tươi: như tôm, cá, thịt thì cô đựng vào các hộp nhựa đặt dưới đáy giỏ, còn tất cả các loại rau, củ, quả được cô sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng ở trên tránh bị dập nát. Sau khi thực phẩm mua ở chợ về được cô chế biến sạch sẽ, cho vào các hộp nhựa hay hộp thủy tinh. Những thức ăn để lâu ngày được cô gói cẩn thận bằng lá chuối cho vào tủ lạnh. Đối với những thực phẩm đóng gói sẵn thì cô tái sử dụng các bao bì đó cho những lần thật sự cần thiết phải dùng bao ni lông. Bên cạnh đó, khi mua hàng cô cũng ưu tiên chọn mua những sản phẩm có bao bì bằng giấy. Cô Tôn Nữ Tú Vân tâm sự: “Không chỉ ưu tiên sử dụng những sản phẩm sạch thân thiện với môi trường mỗi khi đi chợ mà hầu như tất cả các vật dụng trong gia đình cô đều ưu tiên cho những vật dụng bằng mây, tre….Đồng thời, để không bị động cô luôn dự phòng trong cốp xe của mình vài hộp nhựa, túi vải, túi giấy; đến cả sợi dây buộc cũng được cô tái chế sử dụng. Và cứ thế qua mỗi lần đi chợ hoặc mua thức ăn cô hạn chế tối đa việc phát sinh túi ni lông”.
Rác thải sinh hoạt gia đình được cô cẩn thận phân loại: rác thải hữu cơ được dùng làm phân bón cho cây và làm thức ăn cho gà; rác thải vô cơ cô đem rửa qua nước sạch, phơi khô cất gọn gàng rồi mang đi ủng hộ mô hình “Biến rác thải thành tiền”, “Tình thương ve chai” của chi hội phụ nữ khối phố để gây quỹ hoạt động, hoặc cho những người có nhu cầu tái sử dụng.
Thế nên cứ vào mỗi sớm các ngày chở rác định kỳ của Công ty Cổ phần môi trường đô thị Quảng Nam, trước ngõ mỗi nhà thường có bao rác chờ xe thu gom; nhưng trước ngõ nhà cô hầu như ít thấy bao rác thải sinh hoạt của gia đình, nếu có chăng thì cũng chỉ rất là ít và đã được phân loại sạch sẽ. Hình ảnh đó đối với bà con khu dân cư tổ 4 thật sự quá quen thuộc, không còn mấy ai lấy làm ngạc nhiên.
Đây là việc làm thường xuyên được cô Vân áp dụng từ gần 10 năm qua. Nhờ đó, hạn chế thấp nhất lượng rác thải vô cơ thải ra môi trường, bề dày thói quen này của cô đã dần cảm hóa và trở thành thói quen của các tiểu thương khi bán hàng cho cô là luôn “
nói không với túi ni lông”. Cô tâm sự, “để tập cho mình có được thói quen này trước hết phải rèn đức tính chịu khó và bằng cả lòng nhiệt huyết mới làm được, nếu không chịu khó, không tâm đắc thì không làm được, làm lâu dần thành quen thì sẽ thấy rất tiện lợi cho cuộc sống và cảm thất ít có lỗi với môi trường. Xa hơn nữa cô muốn truyền cảm hứng cho cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường sống từ những việc mình có thể làm ngay hôm nay; cho nên cô mạnh dạn thường xuyên chia sẻ việc làm của mình trên trang facebook cá nhân. Cô cảm thấy vui và không chút phiền hà khi dùng giỏ, hộp nhựa đi chợ hay mua thức ăn; ngược lại bữa nào bức thiết quá phải mang túi ni lông về nhà cô tự thấy rất khó chịu và muốn khắc phục ngay bằng cách đem rửa sạch phơi khô để tái sử dụng nhằm mục đích không phát sinh phải dùng túi ni lông mới, hoặc đem cho các cụ bán rau ở chợ”.
“Gieo hành động gặt thói quen. Gieo thói quen gặt tính cách”(Lão Tử). Sự kiên trì trong hành động của cô Tú Vân đã tạo nên thói quen sống tử tế. Và phải chăng thói quen ấy mỗi ngày vun đắp cho vẻ đẹp tâm hồn khiến cô Tú Vân không chỉ biết trân trọng môi trường mà còn mở lòng nhân ái với mọi người xung quanh. Không chỉ hết lòng yêu thương học sinh, đem hết khả năng, trách nhiệm với mong muốn truyền đạt kiến thức vững chắc có thể để làm nền tảng cho lớp lớp thế hệ học sinh làm hành trang vào đời, cô còn đem yêu thương sẻ chia tới những mảnh đời kém may mắn, gặp khó khăn, bất trắc trong cuộc sống bằng những món quà chân chất như chuối, trứng gà, hoặc các loại rau, củ cô tự nuôi, trồng. Thỉnh thoảng cô đến thăm các cụ tại Trung tâm Dưỡng lão huyện Hiệp Đức với những phần quà, những bữa cơm ấm áp tình người.
Tôi đã chạm, thấy tường tận và tất nhiên tôi khâm phục những điều tử tế từ cô, nên thiết nghĩ nếu trong mỗi chúng ta, ngay bây giờ hãy dần tập cho mình thói quen “
nói không với túi ni lông, rác thải nhựa” thì trong tương lai gần nhất, thế hệ con, cháu của chúng ta sẽ được tận hưởng một môi trường sống tốt đẹp lành mạnh./.