1. Cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam, từ lúc khởi đầu đến khi giành được thắng lợi hoàn toàn là một quá trình lịch sử dài hơn 6 thập kỷ trong thế kỷ 20.
Trong những sự kiện đánh dấu bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi số phận dân tộc, không thể không nói đến các sự kiện của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh:
Năm 1919: Gửi 8 điều yêu sách đòi độc lập, tự do cho dân tộc mình tới hội nghị Versailles.
Năm 1920: Gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, đồng sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, tiếp cận Luận cương của Lênin về quyền tự quyết dân tộc, về cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa.
Năm 1925: Viết “Bản án chế độ thực dân Pháp” và huấn luyện cán bộ-những hạt giống đầu tiên của phong trào cách mạng Việt Nam.
Năm 1930: Sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp soạn thảo Chính cương sách lược vắn tắt, chương trình hành động của Đảng và dự thảo Điều lệ Đảng, thư kêu gọi đồng bào.
Năm 1941: Trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Năm 1945: Cách mạng Tháng Tám thành công đúng với dự báo của Người. Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời với bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ.
Năm 1946-1954: Cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp xâm lược và Chiến thắng lịch sử “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”.
Năm 1965-1969: Chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, dốc lòng dốc sức cho cách mạng miền Nam; ra lời kêu gọi: Đồng bào chiến sĩ cả nước, ngày đêm theo dõi từng bước tiến của cách mạng miền Nam, viết Di chúc để lại cho đồng bào, đồng chí, nhìn thấy triển vọng toàn thắng đang đến gần với một niềm tin mãnh liệt.
Mục tiêu cao quý và thiêng liêng của cách mạng giải phóng dân tộc là độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, là độc lập thực sự gắn liền với tự do thực sự, là hạnh phúc đủ đầy cả vật chất lẫn tinh thần cho con người, cho nhân dân Việt Nam để họ thực sự là người chủ và làm chủ cuộc sống của mình.
2. Cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam có những đỉnh cao tiếp nối đỉnh cao: Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước thắng lợi theo đúng lời kêu gọi của Hồ Chí Minh: “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”; Điện Biên Phủ, năm 1954, chôn vùi chủ nghĩa thực dân kiểu cũ; Điện Biên Phủ trên không, 12 ngày đêm ở Hà Nội (12-1972), đánh bại B.52 của đế quốc Mỹ, làm cho “Hà Nội trở thành thủ đô của phẩm giá con người”; cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hoàn thành xuất sắc mệnh lệnh của lãnh tụ vĩ đại “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, kết thúc cuộc kháng chiến kéo dài nhất trong lịch sử. Cuộc kháng chiến ấy đã đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, đánh đổ chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam.
Cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam với những đỉnh cao đó trong thời đại Hồ Chí Minh(2) đã đưa dân tộc Việt Nam đứng vào hàng ngũ các dân tộc tiên phong chống ách áp bức thống trị của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân; đã nêu tấm gương cổ vũ, thúc đẩy các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, các dân tộc bị áp bức chống lại mọi thế lực xâm lược phi nghĩa và phi nhân, giành lấy tự do và nhân phẩm làm người, giành lại quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc-những quyền cơ bản, thiêng liêng của con người, của các dân tộc trên thế giới.
Đó là những giá trị làm nên sức sống và ý nghĩa của cách mạng Việt Nam, là những cống hiến của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh vào lịch sử và văn hóa nhân loại thời hiện đại. Đó cũng là ngọn nguồn cảm hứng từ Việt Nam-Hồ Chí Minh-Võ Nguyên Giáp-Điện Biên Phủ làm nên sức lan tỏa của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam do Hồ Chí Minh lãnh đạo đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
3. Sức lan tỏa của cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam do Hồ Chí Minh lãnh đạo đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới bắt nguồn từ bản thân cuộc cách mạng ấy trong sự không tách rời với truyền thống lịch sử anh hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam, với lịch sử quang vinh của Đảng và với cuộc đời, sự nghiệp của Hồ Chí Minh-người anh hùng dân tộc vĩ đại, ngọn cờ đầu của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, người bạn lớn của nhân dân các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam mang tầm vóc vĩ nhân, danh nhân văn hóa thế giới.
Sức lan tỏa ấy rộng lớn và bền bỉ bởi sức mạnh nêu gương, cổ vũ, thức tỉnh và thúc đẩy của cách mạng Việt Nam đối với phong trào đấu tranh của các dân tộc bị áp bức chống đế quốc, thực dân. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh cho chân lý lớn của thời đại, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, cho xu thế tất yếu của lịch sử như Hồ Chí Minh đã nói: Không ai có thể ngăn cản mặt trời mọc, không một thế lực phản động nào ngăn nổi các dân tộc trên thế giới tiến tới chủ nghĩa xã hội. Cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam chứng minh cho sức mạnh chính nghĩa thắng phi nghĩa. Đó là đạo lý chính trị lớn nhất. Dưới ánh sáng của chân lý và đạo lý ấy, nhân dân Việt Nam đã nuôi dưỡng một niềm tin mãnh liệt vào tương lai, kiên định con đường, lý tưởng, mục tiêu cách mạng, đủ dũng cảm và đức hy sinh, bất chấp mọi thế lực bạo tàn, dù hùng mạnh về vật chất và vũ khí, dù có dã tâm đến đâu trong việc gây chiến tranh xâm lược và đe dọa hủy diệt Việt Nam cũng không thắng nổi một dân tộc quyết không chịu làm nô lệ như dân tộc Việt Nam.
Các dân tộc bị áp bức đã từ bài học và tấm gương Việt Nam mà Hồ Chí Minh là linh hồn, là tượng trưng cho sự kết tinh, hội tụ mọi giá trị cao quý của dân tộc, của thời đại để có dũng khí và niềm tin, tự giải phóng chính mình, từ nô lệ tới tự do, từ phụ thuộc tới tự chủ và làm chủ. Các phong trào giải phóng dân tộc Á, Phi, Mỹ Latin trong thế kỷ 20 và hiện nay đã có nguồn xung lực mãnh liệt từ Việt Nam, chiến đấu, hy sinh cho độc lập, tự do, cho một trật tự thế giới mới công bằng, dân chủ, bình đẳng, văn minh, không còn áp bức bóc lột và con người tự do, sáng tạo, xây dựng cuộc sống mới, trong hòa bình và hữu nghị, giữa các dân tộc, văn minh thắng bạo tàn...
Ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao ở những nơi trên trái đất này, nơi đang còn phải đấu tranh diệt trừ cái ác, dựng xây cải thiện, củng cố nền độc lập, bảo vệ chủ quyền quốc gia dân tộc và phấn đấu cho hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc.
Ở những nơi đó, Hồ Chí Minh chẳng những được tôn vinh với lòng kính trọng, ngưỡng mộ và biết ơn mà di sản của Người còn mãi mãi được gìn giữ, được phát huy như những biểu tượng của lòng nhân ái, vị tha và khoan dung trong đời sống thực tại, trong khát vọng hướng tới một tương lai tốt đẹp nhất.
Văn hóa hòa bình và văn hóa khoan dung là đặc trưng văn hóa nhân loại trong tính phổ quát của nó, cũng là những giá trị nổi bật, điển hình của văn hóa Hồ Chí Minh, mãi mãi còn được nhắc tới trong lương tâm nhân loại, trong ký ức lịch sử.
Sinh thời, Hồ Chí Minh đã nỗ lực hết mình để kết nối tình hữu nghị thân ái giữa các dân tộc.
Người đã đi thăm nhiều nơi trên thế giới. Người đã đón tiếp thân tình và vô cùng nồng hậu đối với Tổng thống Xucácnôcủa Indonesia và kết tình nghĩa anh em, Tổng thống Pơraxát của Cộng hòa Ấn Độ, Tổng thống Cộng hòa Mali và phu nhân Môđibô Câyta, Tổng thống Ghinê Xêcuturê và nhiều chính khách nổi tiếng khác. Người còn đón tiếp vợ chồng luật sư Ludơbai mà Người coi là ân nhân của mình, còn tự đáy lòng, nhân dân Việt Nam coi luật sư là ân nhân của Việt Nam bởi luật sư đã có công lao to lớn giúp lãnh tụ Hồ Chí Minh qua cơn hoạn nạn trên đường cách mạng ở một thời điểm đặc biệt.
Ngay trong những năm cuối đời, dù tuổi cao sức yếu, Người vẫn chu đáo, ân cần tiếp đón nhiều bạn bè quốc tế, đem đến cho họ hiểu biết về Việt Nam và nỗ lực làm cho Việt Nam hiểu thế giới, đưa thế giới đến với Việt Nam. Năm cuối cùng của cuộc đời hữu hạn 79 mùa xuân của mình, Người vẫn có “Thư gửi các bạn người Mỹ” với lời chúc mừng hòa bình và hạnh phúc(6). Người đặc biệt quan tâm tới các sự kiện lớn trong phong trào cách mạng của nhân dân thế giới, nhất là phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân châu Á, châu Phi.
Người bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn Cương lĩnh chính trị của Mặt trận Yêu nước Lào, cảm ơn Quốc trưởng Campuchia Xihanúc đã ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ, cứu nước, đồng thời gửi điện tới Hội nghị quốc tế ủng hộ nhân dân các nước thuộc địa của Bồ Đào Nha và các nước châu Phi Nam xích đạo, nhân dân các nước Ăngola, Cônggô, Tây Nam Phi và các nước Á Phi khác(7).
Người đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Xã hội Chilê Xanvađo Agienđê, tiếp và trả lời phỏng vấn của nữ đồng chí Mácta Rôhát, phóng viên báo Grama Cuba vào tháng 7-1969. Sáclơ Phuốcniô, phóng viên Báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp là vị khách cuối cùng được Người tiếp lần cuối cùng vào ngày 15-7-1969. Chưa đầy hai tháng sau, Người qua đời. Người để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng tất cả bạn bè quốc tế. Từ châu Phi, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Algeria đã có điện chia buồn với Việt Nam ngay sau khi Người qua đời, trong bức điện đã nhấn mạnh “Tên tuổi của Người là một biểu tượng và hoạt động của Người là một gương sáng”. Đó thực sự là biểu tượng và gương sáng của người mở đầu cho cuộc đấu tranh của nhân dân các nước trong thế giới thứ ba để tự giải phóng khỏi ách kìm kẹp của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc.
Thông qua Hồ Chí Minh, cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam mãi mãi có sức lan tỏa rộng lớn, có hiệu ứng sâu xa trong thế giới nhân loại.
Nguồn tin: Báo Quân đội Nhân dân
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn