Sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Nghề chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là một trong những ngành nghề cao quý, luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và luôn được xã hội trân trọng, đề cao. So với trước đây, thành tựu y học và chất lượng, hiệu quả chăm sóc y tế nhân dân của nước ta đã có những tiến bộ vượt bậc. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Đảng về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” đã khẳng định: Các chỉ số sức khỏe, tuổi thọ bình quân được cải thiện. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng về thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Đạo đức, phong cách, thái độ phục vụ, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế được chú trọng, nâng cao...
Đời sống xã hội càng phát triển, mức sống của người dân càng được cải thiện, nâng cao thì nhu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng lớn. Trách nhiệm của ngành y tế và đội ngũ giáo sư, bác sĩ, cán bộ, nhân viên, người lao động ngành y tế trong cả nước ngày càng cao. Nghị quyết 20 của Đảng đã xác định những mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, tuổi thọ trung bình của người dân khoảng 74,5 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 67 năm. Đến năm 2030, tuổi thọ trung bình khoảng 75 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 68 năm. Phấn đấu trên 95% dân số được quản lý sức khỏe; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 90%. Cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét...
Những mục tiêu về chăm sóc sức khỏe nhân dân thể hiện sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với sự nghiệp y tế và niềm tin đối với đội ngũ thầy thuốc cả nước trong giai đoạn mới. Để hoàn thành được mục tiêu, sứ mệnh cao cả đó, không chỉ đòi hỏi nỗ lực vượt bậc của ngành y tế mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự chung tay góp sức của mỗi công dân.
Lời dạy của Bác Hồ: "Lương y phải như từ mẫu" không chỉ là phương châm hành động, kim chỉ nam của đội ngũ thầy thuốc, mà còn là lời nhắc nhở đối với mỗi người dân về văn hóa ứng xử đối với thầy thuốc và nghề y. Mỗi dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, tri ân, tôn vinh thầy thuốc là thêm một lần các thầy thuốc và mỗi chúng ta thấm nhuần sâu sắc hơn lời dạy của Bác, từ đó đề cao tinh thần tự chủ, tự giác học tập và làm theo lời dạy của Người. Đó là cách để chúng ta bồi đắp ý chí, trau dồi lương tâm nghề nghiệp, điều chỉnh suy nghĩ, hành vi của mình theo chuẩn mực đạo đức mà Người đã dạy. Đó cũng là cơ hội để mỗi tập thể, cá nhân trong và ngoài ngành y có những việc làm thiết thực, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong môi trường y tế cả nước.
Tác giả bài viết: PHAN TÙNG SƠN
Nguồn tin: qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn