Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 4/2022

Thứ tư - 27/04/2022 10:00

Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 4/2022

Ban Thường vụ Huyện Đoàn ban hành Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 4/2022. Đề nghị các Đoàn xã, thị trấn và Đoàn trực thuộc triển khai thực hiện.
THEO DÒNG LỊCH SỬ 
  • Ngày 07/4/1907 – 07/4/2022: Kỷ niệm 115 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn
  • Ngày 10/4: Giỗ tổ Hùng Vương (Mùng 10/3 Âm lịch)
  • Ngày 21/4: Ngày sách Việt Nam
  • Ngày 22/4/1870 – 22/4/2022: Kỷ niệm 152 năm ngày sinh V.I. Lê-nin
  • Ngày 25/4/1976 – 25/4/2022: Kỷ niệm 46 năm Ngày tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất
  • Ngày 30/4/1975 – 30/4/2022: Kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước
  • Ngày 30/4/1972 – 30/4/2022: Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Hiệp Đức
 
CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ 30/4/1975 - BIỂU TƯỢNG SÁNG NGỜI CỦA CHỦ NGHĨA ANH HÙNG CÁCH MẠNG
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta, được sự ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè quốc tế, bằng sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, quân và dân ta đã tiến hành thắng lợi Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên Chủ nghĩa xã hội.
Chỉ tính riêng kết quả thắng lợi trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, từ ngày 26/4/1975 đến ngày 30/4/1975, quân và dân ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân chủ lực, quân địa phương thuộc Quân khu 3 ngụy Sài Gòn, lực lượng của quân khu 1 và 2 của địch chạy về cố thủ và chi viện cho các đơn vị ở Sài Gòn - Gia Định,… giải phóng hoàn toàn Sài Gòn - Gia Định, góp phần quyết định vào giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, là nhờ có sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng ta đã giải quyết đúng đắn và sáng tạo mối quan hệ giữa cách mạng và chiến tranh cách mạng; giải quyết thành công nhiều vấn đề cơ bản về đường lối cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng và phương pháp cách mạng, về phương thức tiến hành chiến tranh và nghệ thuật quân sự trong chiến tranh giải phóng dân tộc; Đảng đã phát huy cao độ trí tuệ và bản lĩnh của con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh để đánh thắng chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc,…
Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975 có giá trị, ý nghĩa lịch sử và hiện thực sâu sắc đối với cách mạng nước ta, đối với sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Từ đây, nhân dân ta đã vĩnh viễn thoát khỏi ách nô dịch của các nước đế quốc, vĩnh viễn thoát khỏi sự chia cắt giữa 2 miền đất nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước, bảo vệ những thành quả bước đầu của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đưa cả nước bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975 đã đưa Việt Nam từ một đất nước bị nước ngoài xâm chiếm, từ một dân tộc bị nô lệ, đã đứng lên giành lại nền độc lập sau gần một thế kỷ mất nước và trở thành một quốc gia độc lập, thống nhất, có đầy đủ chủ quyền được pháp lý quốc tế thừa nhận, tôn trọng.
Đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã thức tỉnh, cổ vũ hàng trăm triệu người đứng lên dũng cảm đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, giành lại độc lập dân tộc, đưa đất nước tiến vào quỹ đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội, đem lại cơm no, áo ấm, hạnh phúc cho nhân dân.
Chiến thắng 30/4/1975, cũng chính là thắng lợi của Chủ nghĩa MácLênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thắng lợi của đường lối và phương hướng cách mạng đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, tự lực, tự cường, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Ngày nay, chúng ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để phát huy tinh thần Chiến thắng 30/4/1975, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta cần ra sức phấn đấu, nêu cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng; lao động, học tập và công tác một cách khoa học, sáng tạo, có chất lượng, hiệu quả cao, cùng chung tay góp phần xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu trong Di chúc mà người để lại./
(Nguồn: Đại học Chính trị - Bộ Quốc phòng)
 
 
KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HIỆP ĐỨC (30/4/1972 - 30/4/2022)
 Quê hương và truyền thống cách mạng
Hiệp Đức là một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, tuy là vùng đất bán sơn địa, địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều đồi núi, sông suối hiểm trở; thời tiết và thiên tai khắc nghiệt, đời sống Nhân dân khó khăn nhưng đây cũng là vùng đất có bề dày về lịch sử, văn hoá và truyền thống yêu nước lâu đời. Hiệp Đức có 01 di tích cấp quốc gia, 13 di tích lịch sử, văn hoá cấp tỉnh và nhiều thắng cảnh đẹp; là vùng đất giàu tiềm năng văn học nghệ thuật, vùng đất học. Các loại hình sinh hoạt cộng đồng đậm nét cư dân nông nghiệp như đua ghe, Lễ hội đâm trâu của đồng bào dân tộc thiểu số các xã vùng cao. Vốn văn nghệ dân gian của Nhân dân Hiệp Đức rất đa dạng về thể loại và phong phú về nội dung, phổ biến nhất là hát hò khoan đối đáp, hát bội, hô bài chòi. Về Tôn giáo - Tín ngưỡng: Tín ngưỡng Thành Hoàng làng trước đây rất phát triển ở Hiệp Đức. Trong quá trình hình thành và phát triển, tín ngưỡng truyền thống của cư dân bản địa có thêm sự du nhập của các tôn giáo mới, bên cạnh Phật giáo, dần có thêm Thiên chúa giáo, Tin Lành, v.v…
Với vị trí địa lý phía Bắc giáp huyện Quế Sơn, phía Nam giáp huyện Tiên Phước và huyện Trà My, phía Đông giáp huyện Thăng Bình, phía Tây giáp huyện Phước Sơn, Hiệp Đức là vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự, địa hình chuyển tiếp giữa trung du và miền núi với những dãy núi cao hiểm trở như Chia Gan, Núi Lớn, Núi Ngang, Liệt Kiểm, Đồi Tranh, Đồi Sơn….tạo thành hệ thống liên hoàn để xây dựng cứ điểm quân sự có tầm kiểm soát khu vực rộng lớn từ Thăng Bình, Tiên Phước, Quế Sơn, Phước Sơn và vùng Tây Quảng Nam.
Trước Cách mạng tháng Tám 1945, nhân dân Hiệp Đức một cổ hai tròng, đời sống bị bần cùng hóa với hàng trăm thứ sưu cao, thuế nặng, chính sách cai trị hà khắc, nông dân bị mất ruộng, mất nhà, thành kẻ nô lệ cho địa chủ, quan lại, mật thám thân Pháp. Không những thế, người nông dân còn bị bắt đi xâu, đi lính, làm phu đường, phu mỏ không hạn kỳ cho bọn thực dân.
Từ 1945 - 1954, Hiệp Đức là vùng tự do, nối liền với vùng tự do rộng lớn của Liên khu V, là nơi cung cấp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến, lãnh đạo kháng chiến của Khu V, của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nơi xây dựng bến bãi, kho tàng, xưởng cơ khí…Hệ thống tổ chức Đảng, Chính quyền, Mặt trận và đoàn thể được củng cố, hoạt động công khai và ăn sâu bám rễ trong Nhân dân. Được hưởng các quyền lợi thiết thân do kháng chiến và chính quyền cách mạng đem lại, Nhân dân rất phấn khởi, một lòng đi theo Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ.
Năm 1954, với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, ta buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương vào ngày 21/7/1954. Thế nhưng, giữa tháng 5/1956, Pháp rút khỏi miền Nam khi chưa thực hiện hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam theo điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ. Mỹ thay Pháp, đưa tay sai Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền ở miền Nam, âm mưu chia cắt Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự của Mĩ ở Đông Dương và Đông Nam Á. Những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém đi khắp nơi và mở hàng ngàn đợt “tố cộng, diệt cộng”, “đốt sạch, phá sạch, giết sạch”, “giết lầm hơn bỏ sót”, tàn sát dã man các cơ sở cách mạng, gây ra biết bao đau thương, tang tóc cho đồng bào, chiến sĩ ta. Không có đêm nào không có người bị thủ tiêu, chôn sống, thả sông hoặc giết hại bằng cách này hay cách khác; từ bắn giết lẻ tẻ, đến giết tập thể hàng loạt. Không khí khủng bố bao trùm khắp miền Nam Việt Nam.
Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương khoá II (tháng 1-1959) ra Nghị quyết về đường lối cách mạng miền Nam đã thổi bùng ngọn lửa “đồng khởi” khắp miền Nam. Theo đó, các phong trào đấu tranh, tổ chức Đảng, lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang trên địa bàn Hiệp Đức cũng phát triển mạnh mẽ. Vào lúc 05 giờ ngày 13/3/1960, tự vệ và nhân dân làng ông Tía đã nổi dậy khởi nghĩa vũ trang, tiêu diệt gọn 1 tiểu đội địch, mở đầu cho phong trào khởi nghĩa vũ trang đầu tiên của tỉnh Quảng Nam.
Tiếp sau đó, 0 giờ 30 phút, ngày 20/9/1960, bộ đội tỉnh phối hợp đội công tác Tây Quế Sơn tấn công Chi khu quân lỵ Hiệp Đức, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng Hiệp Đức lần thứ I. Chiến thắng Hiệp Đức năm 1960 đã gây một tiếng vang lớn, tác động mạnh mẽ đến tinh thần nhân dân, thôi thúc thanh niên lên đường gia nhập quân giải phóng.
Phong trào đồng khởi của quân và dân miền Nam nói chung, Hiệp Đức nói riêng liên tiếp diễn ra và giành nhiều thắng lợi. Để cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, tăng cường đôn quân, bắt lính, dồn dân vào ấp chiến lược, các khu tập trung nhằm tách ly cán bộ, bộ đội và du kích khỏi sự che chở, đùm bọc của nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, vận dụng đường lối chiến tranh nhân dân với phương châm mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi làng xã là một pháo đài, theo khẩu hiệu "Đảng bám dân, dân bám đất, du kích bám đánh địch", từ năm 1961-1964, bằng sự mưu trí và dũng cảm, quân và dân Hiệp Đức đã làm thất bại chiến dịch "Trực thăng vận" ở Trà Linh, Bình Kiều; đập tan chiến dịch "Thượng du vận" ở Phước Gia, Phước Trà; tấn công, bức rút trung tâm huấn luyện biệt kích Mỹ ở thôn Phước Sơn xã Quế Bình, mở rộng vùng giải phóng phía Nam từ Tú La - Quế Lưu đến Phú Toản - Thăng Phước, vượt Sông Tiên giải phóng Sơn - Cẩm – Hà (25/9/1962). Phong trào diệt ác, trừ gian ở Bình Lâm, Quế Thọ, Quế Bình, kết hợp với đấu tranh chính trị của Nhân dân Hiệp Hoà, Quế Bình được triển khai liên tục và mạnh mẽ, đẩy địch vào thế bị động, lúng túng, tạo thế vững chắc cho chiến dịch mùa Xuân năm 1965, tiêu diệt cứ điểm Cao Lao - Việt An - cứ điểm mạnh nhất của địch ở Tây Thăng Bình, bức rút hàng loạt đồn bót địch dọc đường 16 (nay là quốc lộ 14E), tạo điều kiện cho các xã ở Quế Sơn, Thăng Bình nổi dậy tự giải phóng. Vào lúc 0 giờ 15 phút, ngày 17/11/1965, bộ đội địa phương, du kích phối hợp với Sư đoàn 2 Quân khu 5 chiến đấu ngoan cường, tấn công chi khu quận lỵ Hiệp Đức. Sau 2 giờ chiến đấu ác liệt, quân ta tiêu diệt và làm chủ hoàn toàn trận địa. Hiệp Đức được giải phóng lần thứ II.
Trước thất bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, Mỹ nhanh chóng chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Từ năm 1966 - 1968, trên chiến trường Hiệp Đức, hàng chục tiểu đoàn Mỹ - Nguỵ và chư hầu liên tục càn quét, lấn chiếm với quy mô lớn. Song với tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường, quân và dân ta đã đoàn kết một lòng, kề vai sát cánh cùng với bộ đội chủ lực và các huyện bạn phối hợp tác chiến, lập nhiều chiến công hiển hách, tiêu diệt hàng ngàn tên Mỹ - Nguỵ và chư hầu, bắn rơi hàng chục máy bay các loại. Với quyết tâm "tìm Mỹ mà đánh, tìm Nguỵ mà diệt", cùng với quân và dân miền Nam, năm 1968, các lực lượng vũ trang Hiệp Đức cùng với các đơn vị thuộc Tiểu đoàn 70 chủ lực tỉnh và huyện Quế Sơn, Thăng Bình tấn công tận sào huyệt Mỹ - Ngụy, gây cho chúng những thất bại nặng nề. Kết hợp với đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị binh địch vận được đẩy mạnh thông qua các phong trào hành động cách mạng như “Phụ nữ 4 đảm đang”, “Thanh niên 5 xung phong”, “tuổi nhỏ chí lớn làm việc anh hùng”... đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong Nhân dân, góp phần đáng kể vào việc đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ.
Tháng 4/1969, địch huy động một trung đoàn quân Nguỵ, hai tiểu đoàn quân Mỹ đổ quân chiếm lại quận lỵ Hiệp Đức, chốt giữ những vị trí quan trọng như Cao Lao, Liệt Kiểm, Chia Gan, Đồi Tranh, Núi Lớn,...Chúng liên tục càn quét, đánh phá ác liệt nhằm thực hiện âm mưu “Bình định cấp tốc”, “Bình định đặc biệt”, “Bình định tại chỗ”, dồn dân vào ấp chiến lược để kiểm soát, ly gián quần chúng với lực lượng vũ trang nhân dân. Chúng thực hiện đốt sạch, phá sạch, giết sạch, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh tâm lý, cưỡng bức một bộ phận nhân dân phải gia nhập vào một số tổ chức đảng phái phản động nhằm “bôi đen” quần chúng, gây ra sự khủng hoảng mất lòng tin trong nội bộ Nhân dân.
Trước tình hình đó, ngày 20/7/1969, Ban Thường vụ Khu ủy V, Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định thành lập huyện Quế Tiên. Huyện Quế Tiên ra đời là bước ngoặt mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo quân dân Hiệp Đức kháng chiến chống Mỹ thắng lợi.
Giải phóng hoàn toàn Hiệp Đức, sự kiện và ý nghĩa lịch sử
Bước sang năm 1972, cục diện chiến tranh trên chiến trường miền Nam có nhiều diễn biến thuận lợi cho ta. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở cuộc tổng công kích trên toàn chiến trường miền Nam. Thực hiện chủ trương của Trung ương, Khu ủy và Quân khu V đã mở mặt trận ở khu Tây Bắc Quảng Nam và Tây Nam Quảng Đà nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, chủ yếu là quân cơ động Ngụy tại Quảng Nam và Quảng Đà, tạo điều kiện cho nhân dân nổi dậy làm chủ từng khu vực, góp phần mở rộng vùng giải phóng và hỗ trợ các phong trào đấu tranh ở đô thị. Đây là hướng chủ lực của Quân khu trong chiến dịch Xuân Hè 1972. Sư đoàn 711 được giao nhiệm vụ thực hiện chiến dịch này.
Để giải phóng Hiệp Đức, Bộ Tư lệnh Quân khu V xác định trước hết phải tiêu diệt các cứ điểm phòng thủ vành đai và trong hệ thống phòng thủ. Theo kế hoạch, 0 giờ 15 phút, ngày 09-4-1972, Tiểu đoàn 13, Sư đoàn 711, cùng với Tiểu đoàn 409 đặc công Quân khu 5 nổ súng tấn công vào cứ điểm Liệt Kiểm và Chia Gan. Sau 40 phút chiến đấu, quân ta đánh địch bật ra khỏi căn cứ, diệt 243 tên địch, đè bẹp hoàn toàn khả năng chống trả của chúng. Đến 03 giờ 55 phút, du kích các xã Sơn An, Sơn Hòa, Bình Lâm, Thăng Phước và bộ đội địa phương huyện Quế Tiên phối hợp với bộ đội chủ lực tiến lên Liệt Kiểm, truy quét tàn quân địch, diệt thêm 75 tên, bắt Trung tá Nguyễn Văn Cự - Tiểu khu phó Tiểu khu Quảng Tín và Thiếu tá Nguyễn Văn Bê - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 ngụy. Để cứu nguy đồng bọn, địch đưa Tiểu đoàn 4, thuộc Trung đoàn 5 ngụy và đại đội trinh sát, phối hợp với bọn lính bảo an phản kích lên cứ điểm Liệt Kiểm và Chia Gan. Nhiều trận đánh ác liệt diễn ra hai bên sườn núi này. Các chiến sĩ Trung đoàn 31, thuộc Sư đoàn 711, Quân khu 5, cùng với bộ đội địa phương huyện Quế Tiên và du kích các xã lần lượt bẻ gãy và đẩy lùi tất cả các đợt phản kích của địch, diệt 52 tên ngụy, thu 08 súng các loại. Quân ta làm chủ hoàn toàn cứ điểm Liệt Kiểm và Chia Gan. Như vậy, sau hai ngày đêm tiến công và truy kích địch, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích các xã đã tiêu diệt gần 400 tên địch, bắt 60 tên, xóa sổ Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn 5 ngụy; đập tan Bộ Chỉ huy hành quân của địch, thu 89 súng các loại, phá hủy 05 pháo hạng nặng và nhiều phương tiện chiến tranh khác.
Với tham vọng ngông cuồng, muốn giành lại thế chủ động trên chiến trường, ngày 12-4-1972, đích thân tên Tham mưu trưởng Trung đoàn 5 ngụy trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 3 và đại đội trinh sát ngụy từ hướng Đông - Bắc ồ ạt phản kích lên Liệt Kiểm. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 8, Tiểu đoàn 9, thuộc Trung đoàn 31, Sư 711 Quân khu 5 đã bình tĩnh, gan dạ chờ địch đến gần. Rồi bất ngờ, từ hai phía quân ta đồng loạt nổ súng tấn công, tạo thành gọng kìm lửa siết chặt lấy đội hình địch. Quân ta đánh tiêu diệt 01 đại đội địch, thu nhiều súng đạn, bắn rơi 02 máy bay trực thăng. Cuộc phản kích cuối cùng của địch lên Liệt Kiểm hoàn toàn thất bại.
Trước sức tấn công dồn dập của bộ đội chủ lực và quân dân huyện Quế Tiên, địch rơi vào thế bị động lúng túng. Ngày 13-4-1972, chúng rút về cố thủ ở cứ điểm Lạc Sơn, bỏ cứ điểm dương Bời Lời, đến tối rút chạy khỏi cứ điểm rừng Mù U (ở Quế Thọ). Ngày 14-4-1972, bộ đội huyện Quế Tiên và du kích xã Sơn Hòa đánh địch giải phóng thôn Phú Cốc, làm chủ ngã ba Đồng Tranh, giải phóng hoàn toàn xã Sơn Hòa. Tại Bình Lâm, đơn vị D45, V11 (huyện Quế Tiên) và du kích địa phương phối hợp với Trung đoàn 31, Sư 711 tấn công vào cứ điểm Gò Mè, Cao Lao, Việt An, tiêu diệt nhiều tên địch, giải phóng xã Bình Lâm. Du kích xã Sơn Bình tấn công vào khu dồn Cù Lao, phá tan ấp chiến lược, đưa toàn bộ dân về làng cũ, giải phóng hoàn toàn xã Sơn Bình.
Tất cả các cứ điểm địch phòng thủ quanh Chi khu quận lỵ Hiệp Đức đều bị quân ta tiêu diệt và chốt giữ. Cửa phía Đông về Thăng Bình bị quân ta khóa chặt. Chi khu quận lỵ Hiệp Đức bị bao vây cô lập hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, địch cấp tốc điều động 03 tiểu đoàn biệt động, 01 chi đoàn xe thiết giáp tăng cường cho khu chiến, hình thành một phòng tuyến ngăn chặn từ Hòn Chiêng, Châu Sơn, đến Lạc Sơn, Núi Ngang. Không để địch nghỉ ngơi, ngày 16-4-1972, bộ đội chủ lực và đơn vị D45 Quế Tiên phối hợp nổ súng tấn công từ hai cánh vào cứ điểm Lạc Sơn, diệt gần 90 tên địch. Đêm 21-4-1972, du kích xã Bình Lâm phối hợp với bộ đội đánh chiếm Bắc Lạc Sơn, diệt nhiều tên địch, trực tiếp chọc thủng một mắt xích quan trọng phòng tuyến của địch.
Trong khí thế hừng hực chuẩn bị nổi dậy của quân và dân huyện Quế Tiên, ngày 29-4-1972, Đại đội 3, Tiểu đoàn 19, thuộc Trung đoàn 38, Sư 711 Quân khu 5, tập kích đánh chiếm cứ điểm Gò Chùa. Từ Gò Chùa, bộ đội ta dùng ĐKZ 75 và đại liên 12,7 mm bắn vào khống chế Đồi Sơn, uy hiếp Chi khu quận lỵ Hiệp Đức. Du kích các xã Sơn Bình, Sơn Tân, Sơn An, Thăng Phước phối hợp với bộ đội huyện Quế Tiên đánh vào các khu dồn quanh quận lỵ, đưa dân về quê cũ. Từ hướng Nam, bộ đội ta chốt ở dương Bời Lời bắn 03 quả bộc phá, phóng CS 20 kg và hoả lực mạnh vào Đồi Tranh (nơi đóng chi khu của địch), gây nhiều tiếng nổ và đám cháy lớn, trực tiếp uy hiếp Chi khu quận lỵ Hiệp Đức.
Trong tình thế tuyệt vọng, bị tấn công dồn dập từ nhiều phía, 0 giờ ngày 30-4-1972, địch chia 02 cánh quân rút chạy khỏi Chi khu quận lỵ Hiệp Đức. Cánh quân rút chạy về phía Sông Trầu có 02 đại đội bảo an và quận trưởng Hiệp Đức. Cánh quân theo đường 16 gồm lính bảo an và nghĩa quân chạy về ngã ba Đồng Tranh. Trên đường tháo chạy, các cánh quân này bị bộ đội và du kích ta đánh tan tác, quan quân dẫm đạp lên nhau, tên quận trưởng đạp mìn chết tại chỗ. Cuộc tiến công nổi dậy giải phóng hoàn toàn quê hương của quân và dân Hiệp Đức phối hợp cùng quân chủ lực Khu V đã giành thắng lợi to lớn và trọn vẹn. Ngày 30-4-1972, Hiệp Đức hoàn toàn giải phóng.
Giải phóng Hiệp Đức ngày 30-4-1972 là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, hy sinh của quân và dân Hiệp Đức dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, đã tác dụng to lớn đến cục diện trên chiến trường Quảng Nam và Khu V; góp phần xứng đáng cùng quân, dân Miền Nam giáng đòn chí tử quyết định trong tổng công kích năm 1972.
Giải phóng Hiệp Đức đã minh chứng một cách hùng hồn, đánh dấu thành công mới về nghệ thuật chiến tranh nhân dân và khoa học quân sự của Đảng ta trong việc phối hợp chặt chẽ tấn công quân sự, đấu tranh chính trị và binh vận; là kết quả của một quá trình kiên trì lãnh đạo, chỉ đạo và sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo của Đảng bộ, sự hy sinh, phấn đấu của quân dân, đồng bào các dân tộc trên đị bàn huyện thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Giải phóng Hiệp Đức đã đập tan cánh cửa phòng thủ của địch ở Tây Quảng Nam, tạo điều kiện củng cố và mở rộng vùng giải phóng, góp phần xứng đáng cùng quân và dân toàn tỉnh làm thất bại âm mưu lấn đất giành dân của địch, đồng thời góp phần làm thất bại chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải chấp nhận ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27-01-1973. Từ đây, Hiệp Đức trở thành căn cứ vững chắc cho cả chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng và căn cứ kháng chiến cuối cùng của Khu uỷ V trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tháng 3 năm 1975, chiến dịch Tây Nguyên nổ ra thắng lợi, các lực lượng vũ trang và nhân dân Hiệp Đức đã cùng với nhân dân cả tỉnh giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, tạo tiền đề quan trọng cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thắng lợi, góp những chiến công chói lọi, hào hùng vào bản anh hùng ca dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
(Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hiệp Đức)
 
HUYỆN ĐOÀN HIỆP ĐỨC TỔ CHỨC THÀNH CÔNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH HUYỆN HIỆP ĐỨC LẦN THỨ VIII, NHIỆM KỲ 2022 - 2027
Trong 02 ngày, từ ngày 06-07/4/2022, tại Nhà văn hoá huyện đã diễn ra Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Hiệp Đức lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2022-2027. Tới dự và chỉ đạo Đại hội có đồng chí Phạm Thị Thanh, Uỷ viên BCH Trung ương Đoàn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Nam, đồng chí Nguyễn Văn Tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện.
Nhiệm kỳ qua, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi huyện nhà đạt được nhiều kết quả rất đáng tự hào: 05 năm liền (2017-2021) là đơn vị xuất sắc tiêu biểu của tỉnh, trong đó các năm 2017, 2020, 2021 là đơn vị xuất sắc dẫn đầu cụm thi đua 9 huyện miền núi; đặc biệt, tập thể Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Hiệp Đức vinh dự được Chủ tịch nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương lao động Hạng Ba. Bên cạnh đó, 07/13 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức, tiêu biểu như: gần 80% số hộ thanh niên nghèo, cận nghèo được tổ chức Đoàn hỗ trợ giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017-2022; định hướng, tư vấn nghề nghiệp cho 8.166 đoàn viên thanh niên (ĐVTN); giới thiệu việc làm cho 1.089 ĐVTN, thanh niên có việc làm; thành lập và duy trì 14 HTX, THT, CLB phát triển kinh tế trong đoàn viên, thanh niên; triển khai thực hiện 12 công trình thanh niên với tổng trị giá 508 triệu đồng… Với khẩu hiệu hành động: “Tuổi trẻ Hiệp Đức tiên phong, đổi mới, sáng tạo, phát triển”, Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Hiệp Đức lần thứ VIII đã đề ra 12 chỉ tiêu trọng tâm.
Với tinh thần làm việc nghiêm túc, dân chủ, Đại hội đã diễn ra thành công tốt đẹp. Tại Đại hội, các đại biểu đã bầu ra Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Huyện Hiệp Đức khóa mới gồm 25 đồng chí, đồng chí Đặng Thị Ngọc Lan tái đắc cử chức danh Bí thư Huyện đoàn khoá VIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027, đồng chí Huỳnh Đức Tú trúng cử chức danh Phó Bí thư Huyện đoàn. Đại hội cũng tiến hành bầu đoàn đại biểu đi dự đại hội đoàn cấp trên.
Dịp này, nhằm biểu dương và ghi nhận những cống hiến của tuổi trẻ huyện nhà, Tỉnh đoàn Quảng Nam, UBND huyện Hiệp Đức, BTV Huyện đoàn đã trao tặng bằng khen, giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi huyện Hiệp Đức nhiệm kỳ qua.
 
HIỆP ĐỨC TỔ CHỨC HỘI TRẠI VỀ NGUỒN CHỦ ĐỀ “TIẾP LỬA TRUYỀN THỐNG” KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HIỆP ĐỨC
Nhằm thiết thực chào mừng kỉ niệm 47 năm Ngày giải phóng đất nước (30/4/1975-30/4/2022) và 50 năm Ngày Giải phóng Hiệp Đức (30/4/1972-30/4/2022), ngày 23&24/4/2022, Huyện đoàn, Hội LHTN VN huyện Hiệp Đức tổ chức Hội trại về nguồn với chủ đề “Tiếp lửa truyền thống” tại khu di tích Khu ủy V.
Hội trại diễn ra trong 02 ngày, 01 đêm với sự tham gia của 14 đơn vị trại và trên 300 trại sinh.  Hội trại diễn ra sôi nổi với nhiều nội dung thi. Từ các trò chơi vận động như: đổ nước vào chai, bước chân đồng điệu, kéo co đến các môn thi giúp rèn luyện kĩ năng và giáo dục truyền thống như: thi mô hình thủ công trại; trưng bày sản phẩm kĩ năng; nhảy hiện đại trên nền nhạc cách mạng; trò chơi lớn. Đặc biệt, vào đêm ngày 23/4/2022, Huyện đoàn, Hội LHTN huyện phối hợp với Hội Cựu Chiến binh tổ chức Chương trình giao lưu truyền thống với chủ đề “Tiếp bước anh hùng” và Liên hoan tuyên truyền ca khúc cách mạng, sinh hoạt đốt lửa trại, múa cồng chiêng.
Kết quả, BTC đã trao 34 giải từng phần và 05 giải toàn đoàn cho các đơn vị. Đoàn xã Thăng Phước là đơn vị xuất sắc dành giải nhất toàn đoàn, Đoàn Trường THPT Trần Phú đạt giải nhì, Đoàn xã Bình Sơn đạt giải ba, giải khuyến khích thuộc về đơn vị Đoàn xã Bình Lâm và Đoàn xã Phước Gia.
Hội trại được tổ chức nhằm giáo dục cho đoàn viên, thanh thiếu niên về lịch sử truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương Hiệp Đức anh hùng; từ đó nâng cao lòng tự hào dân tộc, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây còn là dịp để các bạn đoàn viên, thanh niên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, đồng thời nâng cao kiến thức và kĩ năng hoạt động đoàn.
 
CHÍNH SÁCH MỚI CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 4/2022
 Giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ ngày 1/4/2022
Một trong các chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4 là Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực từ ngày 1/4/2022.
Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị giảm 50% mức thuế BVMT đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm 70% mức thuế BVMT đối với dầu hỏa từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022 được quy định cụ thể như sau: Xăng, trừ etanol 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 1.000 đồng/lít; dầu hỏa 300 đồng/lít; mỡ nhờn 1.000 đồng/kg.
Quy định mới về nghi lễ đối ngoại
Nghị định số 18/2022/NĐ-CP ngày 18/2/2022 của Chính phủ về nghi lễ đối ngoại có hiệu lực từ ngày 10/4/2022.
Nghị định này quy định nghi lễ đối ngoại, bao gồm:
+ Đón, tiếp các đoàn khách cấp cao nước ngoài thăm cấp nhà nước, thăm chính thức, thăm làm việc, thăm nội bộ, thăm cá nhân, quá cảnh; đón, tiếp Bộ trưởng, Trưởng các cơ quan của Nghị viện hoặc cấp tương đương và một số đoàn khách quốc tế khác;
+ Tiễn, đón Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm, dự hội nghị quốc tế ở nước ngoài; thư, điện mừng, điện chia buồn, thăm hỏi của Lãnh đạo cấp cao;
+ Nghi lễ dành cho Trưởng cơ quan đại diện nước ngoài, bao gồm Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao, Trưởng cơ quan đại diện lãnh sự, và Trưởng cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Nghị định số 18/2022/NĐ-CP cũng quy định cụ thể về thư, điện mừng, điện chia buồn, thăm hỏi của lãnh đạo cấp cao.
Chế độ, chính sách đối với công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc
Nghị định số 19/2022/NĐ-CP ban hành ngày 15/4/2022 của Chính phủ quy định biện pháp thi hành chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành, công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc theo quy định của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng có hiệu lực từ ngày 15/4/2022.
 Trong đó, công nhân, viên chức quốc phòng khi thôi việc sẽ được hưởng các quyền lợi sau:
- Được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và các chế độ khác (nếu có).
- Được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi thôi việc.
- Trường hợp công nhân, viên chức quốc phòng đã thôi việc về địa phương trong thời gian không quá 1 năm kể từ ngày quyết định thôi việc có hiệu lực thì giải quyết quyền lợi như sau:
+ Nếu được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước: Được thực hiện chế độ chuyển ngành; hoàn trả khoản trợ cấp một lần và trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần (đã nhận).
+ Nếu được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị không hưởng lương từ ngân sách nhà nước mà có nguyện vọng được bảo lưu thời gian đóng BHXH: Hoàn trả khoản trợ cấp BHXH một lần (đã nhận)./.
Hoàn tiền mua vé xổ số tự chọn số điện toán trong 2 trường hợp
Có hiệu lực từ ngày từ ngày 28/4/2022, Thông tư 18/2022/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn hoạt động kinh doanh xổ số tự chọn số điện toán.
Trong đó, Thông tư 18 bổ sung quy định "Hoàn trả tiền mua vé xổ số tự chọn số điện toán".
Cụ thể, Công ty xổ số điện toán phải hoàn trả tiền mua vé xổ số tự chọn số điện toán cho tất cả người tham gia dự thưởng trong các trường hợp sau:
Lịch quay số mở thưởng được thông báo là bị hủy bỏ do sự cố kỹ thuật hoặc trường hợp bất khả kháng xảy ra do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn nhưng chưa có lịch quay số mở thưởng tổ chức lại; hoặc có lịch quay số mở thưởng lại nhưng thời gian quay số mở thưởng chậm hơn 72 giờ so với lịch ban đầu.
Kết quả quay số mở thưởng đã công bố bị hủy bỏ theo kết luận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Bộ Tài chính, cơ quan công an, cơ quan thanh tra, kiểm tra).
Giảm yêu cầu chứng chỉ khi thi, xét thăng hạng giảng viên đại học
Có hiệu lực thi hành từ ngày 19/4/2022, Thông tư số 04/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2020/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm công lập; Thông tư số 40/2020/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.
Theo đó, giảng viên đại học khi thi hoặc xét thăng hạng I, II, III sẽ chỉ cần 1 “chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học”.
Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo
Thông tư 12/2022/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch có hiệu lực từ ngày 9/4/2022.
Quỹ thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức về du lịch một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nghề du lịch:
Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo;
Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa không quá 06 tháng.
(baochinhphu.vn)
 
 
 Từ khóa: thị trấn, trực thuộc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản mới

KH 119

KH 119 TẬP HUẤN NĂM 2020

Lượt xem:1788 | lượt tải:0

KH 118

KH 118 CÁC HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN VÙNG CAO XÃ PHƯỚC GIA

Lượt xem:1793 | lượt tải:0

KH02

KH 02 LIÊN HOAN TCM

Lượt xem:1522 | lượt tải:0

111

KẾ HOẠCH 111 - CHIẾN DỊCH TNTN HÈ 2020

Lượt xem:2147 | lượt tải:0

KH105

KH 105 TỔ CHỨC SƠ KẾT GIỮA NHIỆM KỲ

Lượt xem:1888 | lượt tải:0
Tin tiêu điểm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây