1. Tên gọi di tích
1.1. Tên gọi di tích: Đình làng Phước Sơn
1.2. Các tên gọi khác: Ngoài tên gọi chính thức trong cộng đồng dân cư thì theo những yếu tố lịch sử, đình làng Phước Sơn còn có mối liên quan mật thiết đối với những địa danh như Dinh Cháy
(tên gọi dân gian) trước đây và Đình làng Trà Sơn hiện nay.
2. Địa điểm và đường đi đến di tích
2.1. Địa điểm di tích: Đình làng Phước Sơn nằm ngay bên Quốc lộ 14E, thuộc khối phố Phước Sơn, thị trấn Tân Bình (trước đây là thôn 4, xã Quế Bình), huyện Hiệp Đức.
2.2. Đường đi đến di tích: Từ trung tâm thị trấn Tân Bình theo Quốc lộ 14E khoảng 5km là đến đình làng Phước Sơn. Di tích cách Quốc lộ 14E khoảng 70m và cách Cầu Thanh niên khoảng 300m.
3. Phân loại di tích
Căn cứ vào các tiêu chí quy định tại Khoản 9, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá và Điều 28 Luật Di sản văn hoá thì Đình làng Phước Sơn được phân loại là
Di tích lịch sử.
Đình làng Phước Sơn được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 41/QĐ-UBND ngày 05/01/2023 của UBND tỉnh Quảng Nam.
4. Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm của di tích
Lịch sử Nam tiến của dân tộc là cả một quá trình dựng nước và giữ nước, khởi phát từ buổi bình minh mở cõi của dân tộc ta. Quá trình đó đã phát triển trong trường kỳ lịch sử dân tộc qua các đời Lê, Trịnh - Nguyễn và cuối cùng là triều đại nhà Nguyễn. Trong chiều dài lịch sử dựng nước và mở cõi, biết bao thế hệ cha ông, tiền nhân đã đổ mồ hôi, nước mắt và không ít máu đào mới có một biên cương rộng lớn như ngày hôm nay. Biên cương ấy mở rộng về phương Nam, ra biển Đông, khởi đi từ nhà Trần, nhà Hồ, vua Lê, chúa Nguyễn, triều Nguyễn. Theo vòng quay của bánh xe lịch sử, tiền nhân, cha ông đã khẩn hoang, khai hoá, lập ấp, dựng làng để vươn dài lãnh thổ vào Nam, vượt trùng dương sóng lớn vươn đến các vùng hải đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Cù Lao Chàm... để tạo thành những phên dậu vững chắc làm thành trì bảo vệ đất nước.
Ngược dòng lịch sử, cách đây 550 năm, vào tháng 6 năm Hồng Đức thứ 2 (1471), vua Lê Thánh Tông lấy đất Chiêm Thành vừa chiếm lại được đặt làm đạo Thừa tuyên Quảng Nam - là đạo Thừa tuyên thứ 13 của nước Đại Việt lúc bấy giờ. Danh xưng “Quảng Nam” bắt đầu được định danh từ giai đoạn lịch sử này trong hành trình mở nước của tiền nhân ta. Từ đây bắt đầu hình thành nên công cuộc di dân quy mô, chu đáo vì nó được tổ chức với một chính sách được sắp đặt có tính chất bền chặt, vĩnh viễn để người dân an cư lạc nghiệp, yên ổn làm ăn mà không phải lo sợ người Chăm đánh phá, cướp bóc như ở Thuận Hoá trước kia...
Theo dòng người di cư vào xứ Quảng Nam khai hoá, khẩn hoang, lập đất, dựng làng ấy, vào đầu thế kỷ XVI đã có một số tộc họ từ Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh... tìm đến vùng đất “phên dậu” của Đại Việt để khai phá rừng thiêng nước độc, chiêu mộ di dân, lập xóm dựng làng... Trong thời gian và bối cảnh lịch sử đó, vào năm 1509, ông Nguyễn Phủ cùng gia quyến từ Hải Phòng theo dòng người Nam tiến đến khai phá, định cư tại vùng đất thuộc huyện Duy Xuyên ngày nay. Đến năm 1561, người con trai của ông Nguyễn Phủ là ông Nguyễn Phủ Quân (sinh năm 1512), từ vùng đất Duy Xuyên dùng thuyền lớn chở theo nhiều người ngược dòng sông Thu Bồn về phía Tây để tìm vùng đất mới khai cơ, lập nghiệp. Khi đến ngã ba sông Tranh và sông Trường
(thượng lưu của sông Thu Bồn), đoàn người theo sông Trường dừng chân tại vùng đất Trà Sơn
(thuộc xã Sông Trà ngày nay). Nhận thấy nơi đây đất đai bằng phẳng, có độ phì nhiêu lại vừa có núi non xanh tốt bao quanh lại vừa thuận tiện trong việc đi lại bằng đường thuỷ nên ông Nguyễn Phủ Quân quyết định dừng chân tại vùng đất này để khai cơ lập nghiệp và lập nên làng Phước Sơn với ý niệm cầu mong cho những người đến đây được sống bình yên là nhờ cái phước đức của núi rừng, cho nên mới dùng hai chữ Phước Sơn để đặt tên cho làng. Buổi ban đầu, việc khai khẩn ruộng đất ở đây gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ, thiếu thốn mọi bề, hao tốn bao mồ hôi, công sức để phát quang lau lách, cây cối, đẩy lùi thú dữ... Nhưng với quyết tâm xây dựng vùng đất mới, đoàn người của ông Nguyễn Phủ Quân đã dần dần biến nơi đây thành một vùng đất đai trù phú, phì nhiêu xanh tốt. Dần về sau, những người ở làng Bình Huề, những người ở vùng hạ lưu từ Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An cũng lần lượt di cư đến đây với nhiều dòng tộc khác nhau, họ quần tụ, gắn bó bên nhau trong tình làng nghĩa xóm, làm cho dân làng thêm đông đúc, cuộc sống ấm no, trù phú, giao thương buôn bán phát đạt. Để tỏ lòng tri ân công đức khai hoang, dựng ấp, lập làng của ông Nguyễn Phủ Quân, sau khi ông mất dân làng đã suy tôn ông là vị Tiền hiền của vùng đất Phước Sơn này và phần mộ của ông được an táng tại vùng đất Ba Xâng, cách nơi cư ngụ của ông chừng độ 300m về hướng Tây Nam.
Sau khi làng Phước Sơn được hình thành thì Vạn Phước Sơn cũng được ra đời. Do lúc bấy giờ, giao thông đường bộ và các phương tiện vận tải đường bộ ở vùng đất làng Phước Sơn cũng như cả khu vực Hiệp Đức ngày nay chưa phát triển, cho nên đường thủy trở thành huyết mạch thông thương, thuận lợi cho việc giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa bà con miền núi với miền xuôi. Vạn Phước Sơn ra đời là nhu cầu khách quan của cuộc sống bà con nơi đây. Từ đây có thể xuôi thuyền về bến Trà Linh, Trung Phước, Hội Khách và đến thẳng Hội An. Đặc biệt khi nguồn hàng lâm thổ sản ở miền Tây Quảng Nam trở thành mặt hàng xuất khẩu qua thương cảng Hội An thì vạn Phước Sơn đã trở thành một trong những vị trí trung chuyển quan trọng trong mua bán, trao đổi giữa miền núi với miền xuôi dọc theo dòng sông Tranh, sông Trường...
Tuy là một vùng đất nhỏ hẹp, nhưng là nơi thuận lợi trong việc phát triển các nghề nông, lâm, thủy sản; thuận lợi trong việc giao thương đường thủy giữa miền núi với miền xuôi, cho nên những năm về sau người làm nghề buôn bán gốc Việt, gốc Hoa từ Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn cũng tiếp tục lần lượt lên làng Phước Sơn an cư lập nghiệp. Người dân nơi đây tự coi mình là những người dân tứ xứ, cho nên, mặc dù sống đan xen nhau, nhưng bà con vẫn chia thành bốn phái mà không theo địa giới, đó là: Phái Làng (gồm những người gốc tại làng Phước Sơn), Phái Vạn (gồm những người sinh sống bằng nghề chài lưới trên sông nước), Phái Nguồn (gồm những người làm nghề buôn bán), Phái Ban (gồm những người gốc Hoa từ Phúc Kiến, Quảng Đông, Trung Quốc ở phố cổ Hội An di cư lên)...
Sau khi an cư lập nghiệp, lập thành làng xóm, cuộc sống dần dần đi vào ổn định, để ghi nhớ công ơn khai khẩn của những tiền nhân đối với vùng đất mới này, nên năm 1740, bà con dân làng Phước Sơn bàn nhau chọn vùng đất lành, cao ráo và cùng chung tay góp công, góp của xây dựng một cái dinh để làm nơi thờ tự ông Nguyễn Phủ Quân và các vị tiền bối. Nội dung của tấm bia đá hiện đang lưu giữ tại đình làng Phước Sơn cho biết đình được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ nhất (1740) dưới thời vua Lê Hiển Tông. Lúc bấy giờ, dinh thờ được làm bằng gỗ, lợp tranh và gọi tên là
“Phước Lãnh Hương Đình”. Địa điểm dân làng chọn để dựng Dinh thờ ngay trên khu đất mà ông Nguyễn Phủ Quân đã từng cư ngụ với diện tích rộng khoảng 500m2. Khuôn viên của dinh hình vuông, bờ bao được được xếp bằng những lớp đá núi khai thác tại chổ. Hiện nay vẫn còn rõ dấu tích của bờ đá bao quanh dinh cũ trước đây.
Theo các vị cao niên làng Phước Sơn, sau khi dinh được dựng lên một thời gian thì có một biến cố lớn xảy ra. Đó là trong một lần phát cây, đốt rẫy để làm nương, người dân ở đây đã vô tình để đám cháy lan rộng làm cháy luôn cả Dinh thờ. Sau khi đám cháy được dập tắt, những gì còn sót lại là hai tấm bia đá khắc bằng chữ Nho và những cây cột bị cháy sém. Từ đó, người dân gọi Dinh thờ này bằng một cái tên mới là Đình Cháy và cái tên này vẫn còn lưu truyền đến ngày nay.
Khoảng đầu năm 1800, nhằm tránh hỏa hoạn về sau, dân làng đã đồng tâm nhất trí chọn một khu đất trên Cồn Đình, bên bờ phía Đông con suối Ba Loai
(hiện nay thuộc tổ 11, khối phố Phước Sơn), để lập dựng lại Dinh thờ mới và đặt tên là
Đình làng Phước Sơn làm nơi hội tụ thờ cúng của dân làng. Một số cột gỗ còn sót lại từ Đình Cháy được bà con chuyển về đây lắp ráp, bờ đá cũ bao quanh Đình Cháy và hai tấm bia đá được giữ lại. Đình làng Phước Sơn trước đây được phục dựng trên một mảnh đất phía sau và thấp hơn ngôi Đình làng Phước Sơn hiện giờ khoảng độ 50cm, mặt trước hướng về phía Nam, mặt sau giáp với đồng ruộng lớn gọi là ruộng Đình. Trải qua những thăng trầm của thời cuộc, của thiên tai, chiến tranh, đình làng Phước Sơn đã qua 5 lần trùng tu. Bản dịch nội dung những tấm bia đá bằng chữ Hán Nôm hiện đang lưu giữ tại đình làng Phước Sơn đã ghi rõ thời gian 5 lần trùng tu vào các năm: lần thứ nhất là vào năm Gia Long thứ 13 (năm 1814), lần thứ hai vào năm Minh Mạng thứ 19 (năm 1838), lần thứ ba vào năm Tự Đức thứ 22 (năm 1869), lần thứ tư vào năm Tự Đức thứ 33 (năm 1880) và lần trùng tu thứ năm được thực hiện dưới thời vua Khải Định (khoảng vào năm 1920). Ngoài những thông tin thời gian trùng tu, nội dung các tấm bia cũng khắc tên những người tham gia đóng góp tiền của qua những lần xây dựng và trùng tu đình làng Phước Sơn...
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, do sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh, sự tác động của thiên nhiên và sự xâm hại của môi trường tự nhiên, đồng thời phần nhiều bà con phải rời làng lánh bom đạn trong nhiều năm nên ngôi đình gần như bị sụp đổ hoàn toàn sau khi bị trúng bom đạn của Mỹ, chỉ còn lại nền móng, các tấm bia đá và các cấu kiện gỗ... Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, dân làng Phước Sơn sơ tán trở về lại quê hương để khắp phục hậu quả chiến tranh, ổn định lại cuộc sống. Lúc bấy giờ, đời sống kinh tế nhân dân làng Phước Sơn vẫn còn quá khó khăn, ruộng đất bỏ lâu trở nên hoang hoá, cuộc sống chưa ổn định, dân cư vẫn còn thưa thớt (khoảng 37 hộ) nên việc phục dựng và trùng tu lại ngôi đình chưa thể thực hiện được. Nhưng với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vào dịp rằm tháng Giêng hằng năm người dân làng Phước Sơn đều chuẩn bị lễ vật tập trung về khu vực nền đình Phước Sơn, che dựng lều tạm để tổ chức lễ cúng, dâng hương tri ân, tưởng nhớ các bậc tiền hiền, hậu hiền, các vị thần có công phù hỗ, độ trì cho dân làng... Đến khi cuộc sống dần được ổn định, với sự đồng ý và hỗ trợ của chính quyền cấp huyện, xã của hai huyện Hiệp Đức và Phước Sơn, từ năm 1999 đến đầu những năm 2000, bà con làng Phước Sơn
(bao gồm bà con ở khối phố Phước Sơn, thị trấn Tân Bình và bà con thôn Trà Sơn, xã Sông Trà ngày nay) đã đồng tâm hiệp lực, kẻ có công, người góp của chung tay cùng nhau đóng góp phục dựng lại ngôi đình Phước Sơn làm nơi thờ cúng của dân làng. Ngoài 5 tấm bia đá cổ đã được phục dựng tại đây, bà con còn vận chuyển 1 tấm bia đá cổ từ trong Đình Cháy và 1 tấm bia đá cổ sót lại ở cạnh bờ suối Ba Loai về cùng lập dựng. Đây là những di vật, dấu tích khẳng định sự hình thành và tồn tại lâu đời của đình làng Phước Sơn cổ kính với niên đại trên 220 năm.
Kể từ khi được phục dựng lại vào năm 2000 đến nay thì đình làng Phước Sơn đã trải qua bốn đợt trùng tu, sửa chữa vào các năm 2001, 2005, 2009 và 2017. Năm 2001, đình cơ bản được trùng tu xây dựng ổn định; năm 2005, nhà tiền đình liên kết với đình làng được xây dựng; năm 2009, nhân dân tiếp tục đóng góp xây dựng thêm các hạng mục như bờ kè chắn đất, sân đình, bình phong, lư hương, bệ thờ tượng hổ và lần trùng tu quy mô nhất là vào năm 2017 với kinh phí trên năm trăm triệu đồng.
Riêng tại khu vực tại nơi từng toạ lạc dinh thờ có gọi tên là
“Phước Lãnh Hương Đình” (Đình Cháy) trước đây thì vào năm 2007 được sự thống nhất tạo điều kiện của ngành Văn hóa - Thông tin huyện Hiệp Đức và của chính quyền địa phương, một số bà con dân làng Trà Sơn
(phía Tây suối Ba Loai) cũng đã chung tay cùng đóng góp, tạo dựng lại ngôi đình làng ngay trên khu đất mà Đình Cháy ngày xưa đã tọa lạc, và đặt tên là Đình làng Trà Sơn để làm nơi thờ cúng của dân làng trong khu vực Trà Sơn.
Như vậy, do những yếu tố lịch sử khách quan và sự biến thiên của thời cuộc qua những thăng trầm của bánh xe thời gian nên hiện nay tại khối phố Phước Sơn, thị trấn Tân Bình (huyện Hiệp Đức) có hai ngôi đình tuy tên gọi khác nhau nhưng có liên quan mật thiết với nhau về nguồn gốc và lịch sử hình thành. Có thể nói hai ngôi đình tuy hai mà một vì đều thờ cúng vị tiền hiền Nguyễn Phủ Quân, thờ cúng các bậc tiền bối các vị thần, thành hoàng làng của làng Phước Sơn trước đây và hiện nay. Và điều quan trọng là nhân dân ở khu vực đình làng Trà Sơn và nhân dân ở khu vực đình làng Phước Sơn đều đoàn kết, đồng lòng hướng về gốc gác, về tổ tiên, nguồn gốc chung của mình.
Đình làng Phước Sơn không những là sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, nơi thờ cúng, nơi thể hiện sự tri ân công đức của các bậc tiền nhân có công khai hoang, khẩn hoá, lập ấp dựng làng mà còn là chứng nhân của biết bao sự kiện lịch sử bi hùng của làng xã, của quê hương; gắn liền với bao sự kiện lịch sử đấu tranh cách mạng của Quảng Nam nói chung, mãnh đất Hiệp Đức nói riêng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Vào giai đoạn những năm 1885 - 1887, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, tham gia các phong trào chống Pháp, những lãnh đạo của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam như Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến... đã từng dựa vào địa thế, địa hình của làng Phước Sơn và sự ủng hộ hết mình về nhân tài, vật lực của người dân nơi đây để lập căn cứ kháng chiến chống Pháp. Thung lũng làng Phước Sơn được chọn làm nơi đóng quân, rèn đúc vũ khí, chiêu mộ nghĩa sĩ để ngày đêm luyện tập tham gia đánh Pháp cùng với đó là hoạt động tăng gia sản xuất như làm ruộng, chăn nuôi, thả cá... để tự túc lương thực tại chỗ nuôi quân đánh giặc. Những dấu tích còn sót lại tại Bàu Lăng đã chứng minh cho một giai đoạn đứng chân và hoạt động của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam tại vùng đất Phước Sơn này.
Trong những kháng chiến chống Pháp, nơi đây đã hình thành nên các cơ sở sản xuất để phục vụ, cung cấp lương thực, vũ khí cho cách mạng như cơ sở tăng gia tại Vũng Tre, cơ sở chăn nuôi tại nổng tranh lớn, xưởng cải tiến lựu đạn, kho mậu dịch Kinh - Thượng tại Miếu Lân, kho gạo tại bến Cà Tuôn... Ngoài ra, tại khu vực làng Phước Sơn còn có hầm bí mật nuôi dấu cán bộ trong vường nhà ông Cảnh, có lò rèn gươm giáo tại vườn nhà bà Diêm, lò rèn mã tấu tại nhà ông Phạm Gạo... và đặc biệt nhân dân khu vực Vạn Phước Sơn còn bí mật tổ chức một đội ghe thuyền để vận chuyển lương thực, thục phẩm phục vụ cho chiến trường Hạ Lào. Lúc bấy giờ, đình làng Phước Sơn được dùng để tổ chức các cuộc họp bí mật nhằm phổ biến, triển khai các đường lối, chính sách của Đảng, của cách mạng đến với các cơ sở cách mạng và nhân dân trong vùng. Năm 1946, đình làng Phước Sơn được dùng để tổ chức các lớp bình dân học vụ xoá nạn mù chữ cho nhân dân trong vùng. Lớp học do các ông Phạm Toàn, Nguyễn Văn Phát, Nguyễn Văn Giáp, Nguyễn Lãnh trực tiếp giảng dạy. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân trong làng đều đã biết đọc biết viết chính nhờ vậy mà phong trào cách mạng trong vùng ngày càng phát triển do biết chữ nên bà con dễ dàng hơn trong việc nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, của cách mạng.
Năm 1954, một cơ sở cách mạng bí mật được thành lập tại làng Phước Sơn để tiếp tục lãnh đạo phong trào, truyên truyền vận động nhân dân tham gia cách mạng. Lúc bấy giờ, cơ sở cách mạng chọn nhà nhà cụ Lê Ấm và Phan Thị Liên để đào hầm nuôi dấu cán bộ thoát ly, nằm vùng và nơi đây đã trở thành nơi ẩn nấp, hoạt động bí mật của các đồng chí như Hoàng Thanh Lê, Cao Đình Trung, Phạm Gạo, Lương Văn Phước, Nguyễn Văn Phát, Lê Thị Xương... Trong thời gian này, cơ sở cách mạng cũng đã vận động người dân vạn Phước Sơn tổ chức lại đoàn thuyền bí mật có tên là Phân đoàn vận tải Sông Thu do đồng chí Huỳnh Xuân làm Phân đoàn trưởng với nhiệm vụ chuyên chở hàng hoá, lương thực, vận chuyển thương binh và đưa bộ đội là tiền tuyến. Hiện nay, trong nhân dân làng Phước Sơn vẫn còn lưu lại bốn câu thơ lục bát nói về những đóng góp và chiến công của Phân đoàn vận tải Sông Thu là:
“Đặt bàn thờ Tổ quốc lên/Đoàn thuyền của vạn xuống lên cho thường/Một thì tiếp tế quân lương/Hai thì binh sỹ bị thương chở liền”.
Giai đoạn từ năm 1970 - 1975, làng Phước Sơn đã từng là căn cứ địa về kinh tế và quân sự của Quân khu V. Về kinh tế, có nhiều đơn vị quân giải phóng của Quân khu V đóng quân tại tại đây để tăng gia sản xuất như đơn vị sản xuất 33 tại địa điểm Bà Quắn, đơn vị sản xuất 31 tại bãi Sóc, đơn vị sản xuất ông Đờn tại Cây Thao... Về quân sự, các đơn vị thuộc Quân khu V như pháo binh, thông tin, cầu phà, phòng không và bệnh viện C2 đã từng đứng chân tại địa điểm khe Cà Xây. Trong những năm tháng kháng chống Mỹ ác liệt, để dễ bề bắt bớ, lùng sục, đàn áp các cơ sở cách mạng, địch đã nhiều lần tổ chức gom xúc dân đưa cả làng Phước Sơn vào các khu dồn, các ấp chiến lược nhưng vẫn còn đó những gia đình kiên trung, bất khuất một lòng theo Đảng, theo cách mạng quyết tâm trụ bám ở lại làng để nuôi dấu cán bộ, để tạo dựng những cơ sở vững chắc, điển hình như gia đình ông Trịnh Tân Dân, Huỳnh Lại, Nguyễn Thìn, Trần Bé, Phạm Khương, Trần Nhu, Phạm Đình Tài...Và trong những tháng ngày hào hùng đầy mưa bom bão đạn đó, địa điểm đình làng Phước Sơn đã trở thành nơi bí mật gặp gỡ trao đổi thông tin, tài liệu cách mạng; là nơi hội họp của các cơ sở hoạt động bí mật do các đồng chí Phạm Gạo và Hoàng Kim Du lãnh đạo trong suốt những năm tháng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng.
5. Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng liên quan đến di tích
Đã thành thông lệ từ xưa đến nay, hằng năm vào dịp 15 tháng Giêng âm lịch, bà con trong làng Phước Sơn và làng Trà Sơn cùng với con cháu các tộc họ của hai làng đi làm ăn xa đều tề tựu về Đình làng Phước Sơn cùng nhau sắm sửa lễ vật chi nghi, cung kính chu toàn, cầu nguyện vị Tiền hiền Nguyễn Phủ Quân, cùng các vị Hậu hiền, các vị thần linh, thành hoàng bổn xứ phù hộ, độ trì cho bà con dân làng toàn niên tài lộc, vạn phúc hanh thông, an hòa gia đạo.
Theo các vị cao niên kể lại thì trước đây sau phần lễ tại đình làng thì phần hội được tổ chức linh đình kéo dài đến hết tháng Giêng âm lịch với sự tham gia của hàng ngàn người của bốn phái thuộc làng Phước Sơn xưa đó là Phái Làng, Phái Vạn, Phái Nguồn và Phái Ban. Cùng với đó là những hoạt động sôi nổi như đua thuyền vào ban ngày, đêm đến thì dựng sân khấu hát tuồng, hát bội... Ngày nay vào mỗi dịp cúng tế tại đình, dân làng thường tổ chức các trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, nhảy bao bố..., tối đến thì tổ chức văn nghệ quần chúng với không khí phấn khởi, lành mạnh nhằm giúp bà con xua tan đi bao khó nhọc của cuộc sống hằng ngày, qua đó thắt chặt thêm mối quan hệ giữa các tộc họ, nâng cao tình đoàn kết xóm làng góp phần xây dựng nếp sống văn hoá mới ở khu dân cư.
Tại đình làng Trà Sơn, hằng năm vào ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch, dân làng Trà Sơn cũng tổ chức lễ cúng tri ân công đức của vị Tiền hiền Nguyễn Phủ Quân, các vị Hậu hiền, các vị thần linh bổn xứ phù hộ, độ trì cho bà con dân làng. Rồi sau đó đến ngày 15 cũng tháng Giêng âm lịch, bà con lại tiếp tục sắp sửa lễ vật đến cúng và viếng hương tại đình làng Phước Sơn theo như lệ trước đây.
6. Khảo tả di tích
Đình làng Phước Sơn hiện nay toạ lạc trên vị trí cao nhất của khu vực Cồn Đình (thuộc khối phố Phước Sơn, thị trấn Tân Bình), xung quanh được bao phủ bởi bóng mát của những cây trồng lâu năm như xà cừ, phượng, bàng, bằng lăng, xoan... Ngôi đình hiện nay nằm đối lưng với ngôi đình cũ trước đây và nằm cách đình Trà Sơn
(Đình Cháy) khoảng 1km về phía Tây. Mặt trước đình hướng về phía Tây Bắc, giáp với trục đường Quốc lộ 14E bằng một con đường nhỏ được bê-tông hóa, rộng 3m, dài khoảng 70m...
Đình làng Phước Sơn được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 0,7 hecta
(7.000m2), trong đó diện tích khoanh vùng bảo vệ khu vực đình là 2.339,9m
2 với nhiều hạng mục như bờ kè, bình phong, lư hương, tiền đình, đình chính và bệ thờ “ông hổ vằn”. Sân đình được che phủ bởi bóng cây xà cừ cổ thụ cành lá xum xuê. Phía trước sân đình là tấm bình phong xây bằng gạch đắp xi măng được trang trí hai mặt; mặt trước bình phong trang trí bức tranh phong cảnh núi rừng yên ả, thanh bình với đàn nai đang nhở nhơ gặm cỏ, mặt sau bình phong trang trí hình tượng cá chép hoá rồng chiến đấu với chim như truyền tải thông điệp của tinh thần đấu tranh kiên cường, luôn tìm cách vượt qua khó khăn để hướng đến tương lai tốt đẹp. Phía sau tấm bình phong là một lư hương lớn cao 1,5m, đường kính 0,8m đúc bằng xi-măng cốt thép trang trí rồng, phượng và được sơn màu nhủ đồng giả cổ.
Tiếp đến là nhà tiền đình được xây dựng theo lối cổ lầu hai mái, các bờ góc mái dưới trang trí hình tượng chim phượng, bờ góc mái trên trang trí hình tượng con rùa, bờ nóc trang trí hình tượng lưỡng long chầu nguyệt. Tất cả đều được thể hiện bằng hình thức trang trí đắp mảnh sành sứ. Mặt trước mái trên của tiền đình có đắp nổi 4 chữ Hán, dịch nghĩa là
“Công đức tiền nhân”. Phía trên phần đòn đông hạ bên trong tiền đình cũng có trang trí 4 chữ Hán đắp nổi, dịch nghĩa là
“Dân an xã thạnh”. Nhà tiền đình không có tường bao mà chỉ có hai bức tường cao 1,5m được xây hai bên để gắn các tấm bia đá. Bức tường phía bên trái gắn 5 tấm bia trong đó có 4 tấm bia đá cổ khắc chữ Hán
(3 tấm bia đã bị mờ chữ) và một tấm bia ghi danh sách Ban xây dựng trùng tu đình làng Phước Sơn vào năm 2017. Bức tường phía bên phải gắn 7 tấm bia trong đó có 3 tấm bia đá cổ khắc chữ Hán
(1 tấm bị vỡ 1/4, 1 tấm bị vỡ 3/4) và 4 tấm bia ghi danh sách Ban xây dựng đình làng Phước Sơn vào năm 2001, 2006 và danh sách những cá nhân ủng hộ, đóng góp trùng tu đình...
Phía sau tiền đình là đình làng Phước Sơn - nơi thờ tự các bậc tiền hiền, hậu hiền, các vị thần bổ xứ và thành hoàng làng. Đình xây dựng theo lối kiến trúc 1 gian, trần đổ bê-tông, mái lợp ngói âm dương, bờ nóc trang trí lưỡng long chầu nguyệt, hai cột trước dắp nổi khảm sành sứ đôi rồng chầu. Các bàn thờ bên trong đình đều được xây dựng bằng xi-măng, gạch, ốp đá và được trang trí hình tượng tứ linh “long, lân, quy, phụng”. Chính giữa gian thờ chính là chữ
“Thần”, bên trên là một ban thờ nhỏ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; hai bên chữ “Thần” là hai câu đối bằng chữ Hán, phiên âm nghĩa tiếng Việt là:
“Đức phối tiên khôn niên niên thịnh/Hiệp quan nhật nguyệt đợi đợi tồn”; phía trước gian thờ chính cũng có hai câu đối bằng chữ Hán, phiên âm nghĩa tiếng Việt là:
“Khẩn điền lập ấp lưu đức lưu nhân hậu thế ân vạn tuế/Định an giữ nước dương danh dương trí tử tôn kế tử tôn”. Gian thờ bên phải đặt bàn thờ các vị Tiền hiền, gian thờ bên trái đặt bàn thờ các vị Hậu hiền. Bên hữu đặt bàn thờ Hữu ban, bên tả đặt bàn thờ Điệp tổ và Tả ban...
Bên ngoài đình, phía bên trái có một bệ thờ lộ thiên bằng xi-măng thờ “ông hổ rằn”. Tương truyền rằng, xưa kia khu vực làng Phước Sơn có một vị thần quản lý đất đai, ruộng đồng, rừng núi...; ông có tài hô mây, gọi gió và có thể sai khiến những loài thú giữ để chúng không làm hại dân làng. Trong những lần đi nghe ngóng, cứu nhân, độ thế, cứu giúp dân làng, ông thường làm phép sai khiến một con hổ rằn hung dững để làm vật cưỡi và bảo vệ ông những lúc hiểm nguy. Từ truyền thuyết đó, ngoài việc thờ cúng vị thần phù hộ, độ trì của làng thì dân làng cũng dành cho “ông hổ rằn” sự tôn trọng và lập nơi thò cúng. Theo quan niệm của dân làng, do “ông hổ rằn” là vật cưỡi, là con vật đi theo bảo vệ vị thần của làng nên dân làng không thờ cúng chung với thần ở trong đình mà lập bệ thờ riêng để thờ cúng ở ngoài... Từ truyền thuyết này, khi phục dựng lại đình làng Trà Sơn, dân làng cũng xây một bệ thờ “ông hổ rằng” tại đình, ngay trước tấm bình phong với hai câu đối bằng chữ Hán hai bên:
“Phước lãnh hương đình/Sơn lâm hổ tướng”.
7. Sơ đồ phân bố di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích
Hiện nay tại đình làng Phước Sơn còn lưu giữ 07 tấm bia đá cổ có khắc các văn tự bằng chữ Hán Nôm (02 tấm bia đã bị vỡ mất mãnh,01tấm bia đã bị mỡ chữ). Các tấm bia này đều được gằn trên bức tường ở hai bên tiền đình. Nội dung các tấm bia đều đề cập đến quá trình lập dựng và trùng tu đình qua các thời kỳ.
Tấm bia thứ nhất cho biết đình làng được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ nhất (1740) và danh sách những người tham gia đóng góp xây dựng. Tấm bia thứ hai khắc danh sách những người tham gia đóng góp trùng tu đình vào năm Gia Long thứ 13 (năm 1814). Tấm bia thứ ba khắc danh sách những người tham gia đóng góp trùng tu đình vào năm Minh Mạng thứ 19 (năm 1838). Tấm bia thứ tư khắc danh sách những người tham gia đóng góp trùng tu đình vào năm Tự Đức thứ 22 (năm 1869). Tấm bia thứ năm khắc danh sách những người tham gia đóng góp trùng tu đình vào năm Tự Đức thứ 33. Tấm bia thứ sáu khắc danh sách những người tham gia đóng góp trùng tu đình vào những dưới thời vua Khải Định (không rõ năm chính xác). Tấm bia thứ bảy chữ mờ không dịch được.
8. Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích
Đình làng Phước Sơn được xây dựng để thờ tự các bậc tiền hiền, hậu hiền, các vị thần, thành hoàng làng . Đình có nguồn gốc hình thành cách đây hơn 220 năm gắn với quá trình khẩn hoang, khai phá lập nên làng xã ở vùng đất Phước Sơn nói riêng, Hiệp Đức nói chung. Quá trình hình thành đình Phước Sơn cung cấp những thông tin, tư liệu cần thiết về quá trình di dân, khai hoang, mở cõi của cư dân từ Đàng Ngoài vào Đàng trong trong tiến trình nam tiến lịch sử của dân tộc và quá trình hình thành nên các cộng đồng dân cư tại làng Phước Sơn, huyện Hiệp Đức nói riêng và tại Quảng Nam nói chung.
Đình làng Phước Sơn có vai trò quan trọng trong việc góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị và bản sắc văn hoá truyền thống của cộng đồng dân cư làng Phước Sơn, là nơi thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của thế hệ hôm nay đối với các bậc tiền nhân, cha ông đo trước. Đình không những là nơi được dùng để tế lễ hằng năm mà còn là nơi sinh hoạt truyền thống của dân làng; nơi tuyên dương những gia đình văn hoá, những gương hiếu học, dâu hiền rễ thảo, những công dân gương mẫu ở địa phương. Đây cũng nơi hội tụ của con cháu gần xa, của nhân dân hai làng có gốc gác chung nhau là Phước Sơn và Trà Sơn cùng đồng thuận một lòng hướng về tiên tổ để qua đó thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau.
Bên cạnh là nơi sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, nơi thờ cúng, nơi thể hiện sự tri ân công đức của các bậc tiền nhân có công khai hoang, khẩn hoá, lập ấp dựng làng; đình làng Phước Sơn còn toạ lạc tại vùng đất từng nơi diễn ra những sự kiện lịch sử bi hùng của làng xã, của quê hương; đình còn là chứng nhân, gắn liền với bao sự kiện lịch sử đấu tranh cách mạng của Quảng Nam nói chung, mãnh đất Hiệp Đức nói riêng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Chính vì thế nơi đây được xem như là một địa chỉ đỏ để góp phần giáo dực truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ tại địa phương.
9. Thực trạng bảo vệ và phát huy giá trị di tích
Được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền và sự chung tay, góp sức của bà con nhân dân, hiện nay đình làng Phước Sơn đã được trùng tu, tu sửa khang trang. Để thuận tiện cho việc hương khói thường xuyên cũng như việc chăm sóc và phát huy giá trị lịch sử của di tích, Đảng uỷ và UBND thị trấn Tân Bình đã giao cho Ban Nhân dân, Ban công tác mặt trận và các chi hội đoàn thể khối phố Phước Sơn thường xuyên tổ chức công tác vệ sinh, dọp dẹp, phát quang cây cỏ.
Phía trước của khuôn viên đình là Nhà sinh hoạt văn hoá cộng đồng của khối phố Phước Sơn nên nơi đây thường được nhân dân địa phương lui tới và thường được khối phố tổ chức các hoạt động xã hội, văn hoá - văn nghệ, thể dục - thể thao... Hằng năm, vào dịp rằm tháng Giêng âm lịch, bà con hai làng Phước Sơn và Trà Sơn cùng với con cháu các tộc họ đều tề tựu về đây sắm sửa lễ vật để tri ân công đức các vị Tiền, Hậu hiền, các vị thần linh, thành hoàng bổn xứ phù hộ, độ trì cho bà con dân làng một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, làng trên xóm dưới hoà thuận, yên bình.
Những năm gần đây, việc tổ chức nghi lễ cúng tế vào mỗi dịp rằm tháng Giêng được chính quyền địa phương và bà con chú tâm đầu tư phục dựng lại theo nghi thức truyền thống trước đây. Trong những dịp này, đình làng được trang hoàng trang trọng, quang đình cờ xí bay phất phới, trong đình khói hương nghi ngút, trên các bàn thờ trong và ngoài đình cỗ cúng bày biện đầy đủ, đẹp mắt. Các vị cao niên trong làng khăn đóng, áo dài nghiêm trang; đội tham gia lễ trang phục chỉnh tề; bà con dân làng già trẻ gái trai tụ tập đủ đầy thành tâm tham gia cúng bái.
10. Phương hướng bảo vệ và phát huy giá trị di tích
Với những giá trị truyền thống văn hoá kéo dài qua bao thế hệ cùng với đó là chứng nhân của những sự kiện lịch sử đấu tranh cách mạng đáng nhớ, ngay từ khi phục dựng, trùng tu lại ngôi đình, chính quyền địa phương đã xác định vị trí, không gian, cảnh quan nơi đây là khoảng trống không quy hoạch khu dân cư, để nơi đây có thể trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, giáo dục truyền thống cách mạng cho người dân trong, ngoài thị trấn Tân Bình. Không những thế, chính quyền địa phương và nhân dân nơi đây luôn xác định đình làng mãi là là nơi thể hiện ý nghĩa thiêng liêng về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, về tinh thần tri ân sâu sắc đối với các bậc tiền nhân, cha ông đi trước và đối với những anh hùng, liệt sĩ, những đã ngã xuống để bảo vệ quê hương xóm làng trên mãnh đất này.
Về quản lý, địa phương sẽ có phương án bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên cơ sở xây dựng kế hoạch hằng năm và huy động vốn xã hội hóa tại địa phương và sự chung tay đóng góp của bà con để phục vụ công tác trùng tu tôn tạo cho di tích, không những đối với đình làng Phước Sơn mà đối với đình làng Trà Sơn và mộ của Tiền hiền Nguyễn Phủ Quân.
Để tiếp tục phát huy giá trị của di tích đình làng Phước Sơn và bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hoá của làng Phước Sơn qua bao thế hệ, chính quyền địa phương và nhân đan làng Phước Sơn mong muốn các cấp, các ngành có liên quan quan tâm xem xét xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với đình làng Phước Sơn. Khi được xếp hạng di tích cấp tỉnh, đình làng Phước Sơn sẽ là một trong những tuyến, điểm dừng chân, ghé thăm của du khách trong hành trình về nguồn tham quan khu di tích Quốc gia Khu căn cứ Phước Trà và lễ cúng tế hằng năm tại đình làng sẽ được tổ chức quy mô hơn, bài bản hơn để có thể trở thành một lễ hội văn hoá truyền thống của cả huyện Hiệp Đức.