Tham dự buổi đối thoại có đại diện Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND và các phòng, ban, ngành có liên quan của huyện; lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN và các ban, ngành, hội, đoàn thể xã Bình Sơn cùng với đại diện 84 hộ nghèo trên địa bàn xã Bình Sơn. Đồng chí Huỳnh Năm – UVTV, Chủ tịch UBMTTQVN huyện, Trưởng khối Mặt trận - đoàn thể chủ trì buổi đối thoại.
Bình Sơn là một xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Vì thế, trong những năm qua, công tác giảm nghèo ở xã Bình Sơn luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện và đến nay đã đạt được một số kết quả nhất định. Những chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo được thực hiện trên địa bàn xã đã có tác dụng tích cực đối với đời sống nhân dân địa phương, mức sống của người nghèo được cải thiện và có điều kiện tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, công tác giảm nghèo trên địa bàn xã còn không ít hạn chế như: kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững; tỷ lệ hộ nghèo có giảm nhưng vẫn còn cao. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 31,56% (286/906 hộ), cận nghèo chiếm 14,56% (132/906 hộ).
Tại buổi đối thoại đã có 24 lượt ý kiến tham gia; phần lớn là bày tỏ về những tâm tư, nguyện vọng cũng như khó khăn trong cuộc sống, việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ khám, chữa bệnh, vay vốn sản xuất với lãi suất thấp, các chính sách với người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ về học phí cho con em đến trường, chính sách về bảo hiểm xã hội….Đồng thời, đề nghị chính quyền các cấp, các cơ quan, ban, ngành tích cực quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa bằng những giải pháp hỗ trợ thiết thực để hộ nghèo có nhiều cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Từ kết quả buổi làm việc cho thấy, đối thoại về công tác giảm nghèo bền vững là cách làm sáng tạo, hiệu quả nhằm tìm hiểu một cách chính xác nhất nhu cầu, nguyện vọng cũng như điều kiện hoàn cảnh cụ thể của từng hộ nghèo, từ đó đề xuất được những giải pháp hợp lý, sát thực tiễn giúp người dân thoát nghèo. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động đối thoại, các ngành chức năng sẽ nắm bắt được những tồn tại, hạn chế kịp thời có những điều chỉnh phù hợp, để công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương đi vào thực chất hơn./.