Là một thanh niên sau khi rời ghế nhà trường, Huy không tham gia học các lớp nghề như bao thanh niên khác mà được ba mẹ cho đi học hỏi thực tế từ các mô hình kinh tế ở các tỉnh phía Nam. Thế rồi, như một cơ duyên, anh lại học được mô hình nuôi ong lấy mật của một người quen ở tỉnh Bình Phước. Nhận thấy đây là mô hình phù hợp với điều kiện thời tiết và khí hậu của quê hương nên anh cùng gia đình đã quyết định chọn mô hình này để phát triển kinh tế.
Ban đầu còn khó khăn, nguồn vốn đầu tư không có gia đình anh nuôi từ vài chục, đến 100 thùng. Khi đã có nguồn thu nhập ổn định, gia đình đã tích góp để đầu tư mở rộng mô hình. Hiện nay, anh đã nuôi được 300 thùng tại thôn 3 và thôn 1 xã Quế Bình.
Trong 1 tháng, đàn ong sẽ cho thu hoạch 3 lần. Mỗi lần anh thu hoạch khoảng 45 kg mật ong, với giá bán hiện nay là 20 nghìn đồng/kg, sau khi trừ đi mọi chi phí mỗi tháng gia đình anh thu về khoảng trên 30 triệu đồng. Đây là một nguồn thu nhập khá lớn.
Anh Trần Ngọc Huy tâm sự: thức ăn chủ yếu của ong là phấn hoa, bột đậu. Theo kinh nghiệm của anh Huy thì để duy trì chất lượng đàn ong thì mỗi năm sẽ cho đàn ong nghĩ dưỡng khoảng 5 tháng. Cùng với đó, 1 năm gia đình anh phải chuyển ong đi 3 lần lên các tỉnh Gia Lai, KonTum để ong hút mật cà phê, cao su như vậy chất lượng mật ong sẽ ngon hơn. Theo anh Huy thì so với nghề nông thì nghề này cho thu nhập ổn định hơn nhiều, công lao động không là bao, chỉ riêng ngày thu hoạch thì đòi hỏi phải có nhiều công lao động nhưng gia đình tự đổi công cho nhau nên đã giảm được khoảng chi phí này.
Với ý chí, nghị lực và sự kiên trì của mình, anh Huy đã thành công với mô hình nuôi ong lấy mật, là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế cho các thanh niên khác noi theo.