Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 7/2021

Thứ tư - 07/07/2021 23:27
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
Tài liệu sinh hoạt chi đoàn tháng 7/2021

TẤM LÒNG CỦA BÁC HỒ VỚI THƯƠNG BINH, LIỆT SỸ

          “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống đạo lý nhân ái có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp đó đã và đang được Nhân dân ta phát huy từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà Bác Hồ là một tấm gương tiêu biểu nhất. Là Chủ tịch nước, mặc dù bận rất nhiều công việc, nhưng hàng năm cứ đến “Ngày Thương binh-liệt sỹ” Bác đều gửi thư cho các đồng chí thương binh và gia đình liệt sỹ. Đọc những bức thư đó, ai cũng cảm nhận được tình cảm của Bác dành cho họ.
        Trong Thông báo về việc nhận con các liệt sỹ làm con nuôi, Bác viết: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sỹ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập và Thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho các gia đình liệt sỹ đó, và tôi nhận con các liệt sỹ làm con nuôi của tôi”. Khi được tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng, Giám đốc Y tế Bắc Bộ hy sinh, trong thư chia buồn, Bác viết: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên, thì hình như tôi đứt một đoạn một”.
anh bh
          Trong Thư gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”, Bác nói về ý nghĩa cao cả của ngày 27 tháng 7. Đó là “Một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh”. Bác là người đề xuất phong trào “Đón thương binh về làng” với những việc làm rất cụ thể. Bác khuyên các cháu thiếu nhi lập phong trào Trần Quốc Toản để giúp đỡ gia đình bộ đội và thương binh v.v…
         Bác kêu gọi đồng bào cả nước hãy thể hiện tình cảm thương yêu, trách nhiệm và bổn phận của mình bằng những việc làm thiết thực nhất: “Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống nạn ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp đỡ chiến sỹ bị thương”. Chính Người đã tiên phong gương mẫu thực hiện lời kêu gọi đó: “Tôi xin xung phong gửi 1 chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, 1 tháng lương của tôi, 1 bữa ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng". Đặc biệt, nhân ngày 27 tháng 7 hàng năm, Bác trích một tháng lương Chủ tịch nước của mình tặng các đồng chí thương binh. Những tặng phẩm của đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài kính tặng Bác, Bác tặng lại các đồng chí thương binh.
          Tháng 9-1951, Bác gửi thư cho anh em thương binh Trại dệt chiếu Tuyên Quang. Như tình cảm của người cha dành cho con, ân cần, tỉ mỉ, Bác hỏi: Học dệt chiếu cần bao nhiêu ngày, tháng? Trung bình dệt một chiếu thường cần mấy giờ và bao nhiêu vốn? Bán một chiếu được bao nhiêu lời? Với nghề dệt chiếu, có thể đủ ăn, đủ mặc không?
        Hay câu chuyện, Bác yêu cầu chuyển chiếc điều hòa nhiệt độ trong phòng mình để gắn cho trại điều dưỡng thương binh. Đó là một trong nhiều câu chuyện thể hiện tấm lòng nhân ái bao la của một con người mà cả cuộc đời “Nâng niu tất cả, chỉ quên mình” của Người.
Những món quà của Bác giản dị nhưng vô cùng quý giá vì đó chính là sự quan tâm chăm sóc, là tình cảm của Người dành cho thương bệnh binh. Những món quà đó là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn đối với thương bệnh binh, làm ấm lòng người chiến sĩ. Đáp lại tình cảm ấy, bằng tinh thần và nghị lực của anh bộ đội Cụ Hồ, nhiều thương, bệnh binh và gia đình liệt sỹ đã có nhiều cố gắng vươn lên, tự lực cánh sinh trong lao động sản xuất, học tập và trong cuộc sống. Họ không những đã tạo ra công ăn việc làm cho mình và gia đình mình, mà còn tích cực giúp đỡ đồng đội và con em của họ, tạo dựng nên một cuộc sống có ích hơn, tươi đẹp hơn. Họ đã làm đúng theo lời Bác dạy: Thương binh tàn nhưng không phế.
         Trước lúc đi xa, Bác đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta Bản Di chúc lịch sử, trong đó có phần viết về chính sách xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và những người đã kinh qua chiến đấu. Bác viết: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sỹ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sỹ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho Nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sỹ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét. Những chiến sỹ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.
          Thực hiện lời Bác dặn, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách ưu tiên đối với thương bệnh binh và gia đình liệt sỹ. Đồng bào ta trên khắp mọi miền của Tổ quốc cũng đã làm nhiều công việc để đền ơn đáp nghĩa, như: Tặng quà cho các gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách, xây nhà tình nghĩa, lập Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ và giúp đỡ các nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam, giúp đỡ thương bệnh binh và gia đình liệt sỹ, tìm mộ liệt sỹ,… Việc chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất, giảm bớt một phần khó khăn trong cuộc sống cho thương bệnh binh và gia đình liệt sỹ là tình cảm, trách nhiệm và bổn phận của toàn xã hội. Xã hội ta sẽ ngày càng tốt đẹp hơn từ những việc làm đầy tình nghĩa đó. Phong trào đền ơn đáp nghĩa đã, đang và sẽ được Nhân dân ta nhân lên và phát huy ngày càng rộng rãi./.
 
Trích: Tạp chí xây dựng Đảng
THEO DÒNG LỊCH SỬ - NHỮNG NGÀY ĐÁNG NHỚ TRONG THÁNG 7
  • 2-7-1976: Ngày nước ta đổi quốc hiệu từ Việt Nam Dân chủ cộng hòa thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  • 10-7-1910: Kỷ niệm 111 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Hữu Thọ.
  • 11-7: Ngày Dân số thế giới.
  • 15-7-1950: Ngày truyền thống thanh niên xung phong.
  • 17-7-1966: Ngày Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
  • 20-7-1954: Ngày ký hiệp định Giơnevơ.
  • 24-7-1968: Ngày Chiến thắng Đồng Lộc.
  • 27-7-1947: Ngày thương binh, liệt sĩ Việt Nam.
  • 28-7-1929: Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
  • 28-7-1995: Kỷ niệm 26 năm Ngày Việt Nam gia nhập ASEAN.
                                              ------------------------------
KỶ NIỆM 71 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG
(15/7/1950 – 15/7/2021)
           Sự ra đời và trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1950 -1954)
         Với tầm nhìn chiến lược về vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, cách đây 71năm,ngày 15/7/1950, Bác Hồ đã chỉ đạo Đảng đoàn Ban Thanh vận Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam tổ chức đội thanh niên tập trung dài ngày để phục vụ kháng chiến và kiến quốc, khi kháng chiến thành công, lấy tên là: “Đội Thanh niên xung phong công tác”. Quyết định lịch sử ấy đã khai sinh ra Đội Thanh niên xung phong (TNXP) công tác Trung ương đầu tiên tại Núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, gồm 03 Liên phân đội với 225 cán bộ, đội viên do đồng chí Vương Bích Vượng -ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn làm Đội trưởng. Đầu tháng 8-1950, Đội TNXP công tác Trung ương xuất quân phục vụ Chiến dịch Biên giới, đã lập công xuất sắc, được Bác Hồ gửi thư khen, được Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tuyên dương: “Đội TNXP công tác đã nêu cao tinh thần tích cực xung phong, triệt để tuân theo kỷ luật chiến trường, tổ chức chặt chẽ, gương mẫu trong mọi nhiệm vụ,…”
Ngày 20/3/1951, Bác Hồ đến thăm đơn vị Liên phân đội TNXP 312 làm nhiệm vụ tại cầu Nà Cù, thôn Nà Cù, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn và đọc tặng 4 câu thơ:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”
4 câu thơ của Bác là lời giáo huấn, là phương hướng tư tưởng và hành động cho lực lượng TNXP và thế hệ trẻ Việt Nam.
        Từ kinh nghiệm hoạt động của Đội TNXP công tác Trung ương, Trung ương Đoàn đã thống nhất với Tổng Cục cung cấp tăng cường phát triển các Đội TNXP ở các địa phương để phục vụ kháng chiến. Chỉ trong một thời gian ngắn ở các địa phương đã tổ chức các Đội TNXP công tác ở khu, tỉnh, thành, huyện, xã phục vụ công tác kháng chiến ở địa phương,
Đội TNXP công tác Trung ương gồm 20 Liên phân đội với gần 3.000 cán bộ, đội viên (đến tháng 2/1953) đã phối hợp với các đơn vị TNXP địa phương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến đấu trong các chiến dịch: Biên giới (Thu Đông 1950); Trần Hưng Đạo -Trung du (Đông Xuân 1950 -1951), Hoàng Hoa Thám -Đông Bắc (Mùa Xuân 1951), Quang Trung -Hà Nam Ninh (Xuân Hè 1951) Hòa Bình (tháng 10 -12/1951), Tây Bắc (Thu Đông 1952), Thượng Lào (1 -6/1953).
         Bước vào Đông Xuân 1953-1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn mới. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ “Kháng chiến càng tiến tới, công việc ngày càng nhiều, chúng ta cần củng cố và phát triển Đội TNXP để đảm bảo thêm công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này”. Ngày 26/3/1953, Đội TNXP kiểu mẫu được thành lập để cùng Đội TNXP công tác Trung ương thực hiện nhiệm vụ trên. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, cuối tháng 12/1953, hai Đội TNXP công tác Trung ương và Đội TNXP kiểu mẫu hợp nhất, thành lập Đoàn TNXP Trung ương (Đoàn XP), do đồng chí Vũ Kỳ -thư ký của Bác làm Đoàn trưởng. Đoàn XP được biên chế thành 04 Đội 34, 36, 38 và 40 với trên 10.000 cán bộ, đội viên. Đến 3/1954 Đoàn XP bổ sung thêm lực lượng, biên chế thành 05 Đội: 34, 36, 38, 40, 42 với trên 18.000 cán bộ, đội viên. Ở Liên khu V hàng vạn thanh niên các tỉnh đồng bằng ven biển đã hăng hái tham gia nhập TNXP, Tổng đội TNXP 204 được thành lập gồm hơn 4.000 cán bộ đội viên đã tham gia phục vụ Chiến dịch Bắc Tây Nguyên và sát cánh cùng bộ đội giải phóng thị xã Kon Tum.
          Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đoàn TNXP Trung ương được giao nhiệm vụ tập trung toàn lực lượng phục vụ Chiến dịch: Đội 36 (2.500 cán bộ, hội viên) làm nhiệm vụ phục vụ và tham gia bảo vệ các cơ quan Trung ương ở An toàn khu Việt Bắc (ATK); Đội 38 và 42 làm nhiệm vụ cơ động phục vụ chiến dịch trên địa bàn chiến khu Việt Bắc và các Chiến dịch khi có yêu cầu; Đội 34 và 40, với trên 16.000 cán bộ, đội viên làm nhiệm vụ vận tải lương thực, vũ khí, đảm bảo giao thông thông suốt các tuyến đường 6, 41; trên các tọa độ lửa như: Đèo Pha Đin, Ngã ba Cò Nòi, Cầu Tà Vài,… Lực lượng TNXP đã mở hàng chục km đường, vận chuyển hàng ngàn tấn quân trang, cứu được nhiều xe đạn pháo khi bị máy bay địch vây đánh, rà phá trên 1.000 quả bom mìn, cứu thương và vận chuyển hàng trăm thương binh, bộ đội hy sinh trên chiến trường; khi chiến dịch diễn ra quyết liệt đã có 8.000 TNXP chuyển sang bổ sung cho quân đội; tại mặt trận Điện Biên Phủ đã có trên 100 cán bộ, chiến sỹ TNXP anh dũng hy sinh. Vượt qua nhiều gian lao, thử thách, Đoàn XP và các đơn vị TNXP địa phương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần bảo vệ an toàn ATK, tham gia xây dựng các tuyến đường huyết mạch và vận chuyển hàng hóa phục vụ chiến đấu. Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, Lực lượng TNXP đã được Bác Hồ tặng cờ thi đua mang dòng chữ “Dũng cảm, lập công suất sắc”; được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, 60 Huân chương các loại cho các tập thể và cá nhân, hàng nghìn cán bộ đội viên được tặng bằng khen và giấy khen của các ngành các cấp. Năm 2009, Lực lượng TNXP tham gia chiến dịch Điên Biên Phủ và năm 2014, có 4 cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
        Tổng đội TNXP 204 Liên khu 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu trên chiến trường đường 19, Chiến dịch An Khê, Chiến dịch Bắc Tây Nguyên; đã có 2 chi đội, 23 chiến sỹ lập công xuất sắc được Bộ tư lệnh mặt trận phong tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua và Huân chương Chiến công.
        Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đã có gần 5 vạn cán bô, đội viên TNXP hoạt động ngày đêm, sát cánh cùng các đơn vị Lực lượng vũ trang, giao thông vận tải, dân công, đồng bào các dân tộc Việt Bắc và Tây Bắc hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ quan trọng: Phục vụ chiến đấu, tham gia chiến đấu, mở đường, đảm bảo giao thông, rà phá bom mìn, vận chuyển và chăm sóc thương bệnh binh, mai táng liệt sỹ, … góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đã có trên 200 cán bộ, đội viên anh dũng hy sinh; nhiều tập thể, cá nhân TNXP đạt thành tích tiêu biểu xuất sắc được khen thưởng, trong đó có: 320 chiến sỹ thi đua cấp đơn vị, 25 chiến sỹ thi đua và 4 đơn vị khá nhất toàn Đoàn TNXP, được Nhà nước tặng thưởng 3 Huân chương Kháng chiến hạng Hai, 2 Huân chương Kháng chiến hạng Ba, 10 Huân chương Lao động hạng Ba, 25 Bằng khen và 6 cờ thi đua khá nhất của Trung ương Đoàn, Bộ Giao thông công chính tặng cờ “Thi đua khá nhất”. Có 01 tập thể và 04 cá nhân Được Đảng, Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Nguồn: https://cuutnxpvietnam.org.vn/14211-2/
24/7/1968: NGÀY CHIẾN THẮNG ĐỒNG LỘC
          Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành một địa chỉ đỏ, mảnh đất thiêng liêng, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ngã ba Đồng Lộc đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca về quyết tâm sắt đá tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì độc lập tự do thống nhất Tổ quốc, vì hoà bình.
         Ngã ba Đồng Lộc thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên đường Hồ Chí Minh qua dãy Trường Sơn, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh.
       Vào những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua nơi đây. Ngã ba Đồng Lộc có diện tích khoảng 50ha nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên là đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo. Do địa hình như vậy nên khi bom đạn của địch trút xuống phía nào, đất đá cũng lăn xuống đường cản trở giao thông.
chien thang dong loc
Khu tượng đài Chiến thắng Đồng Lộc. Ảnh: Thanh Hà-TTXVN
          Chính vì sự hiểm yếu và quan trọng đó mà không quân Mỹ liên tục đánh phá Đồng Lộc nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân dân ta hướng về chiến trường miền Nam. Nơi này đã đã được mệnh danh là “tọa độ chết”. Người ta đã thống kê rằng, mỗi mét vuông đất nơi đây đã gánh 3 quả bom tấn. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968, không quân địch đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại.
         Để giữ vững huyết mạch giao thông, quân dân ta cũng huy động tối đa mọi nguồn lực bảo vệ Ngã ba Đồng Lộc, lúc cao điểm ở nơi này có tới 1,6 vạn người - chủ yếu là bộ đội pháo binh và lực lượng thanh niên xung phong phá bom, mở đường.
Tiểu đội 4, thuộc Đại đội 552, tổng đội thanh niên xung phong 55 Hà Tĩnh làm việc thường trực tại ngã ba Đồng Lộc. Trưa ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 gồm 10 cô gái trẻ, do Võ Thị Tần-24 tuổi, làm tiểu đội trưởng được lệnh san lấp hố bom ở khu vực địch vừa thả bom để nhanh chóng thông đường cho xe qua. 
         Nhận nhiệm vụ xong, các cô đến hiện trường gấp rút triển khai công việc với niềm vui được gửi gắm trên từng chiếc xe đi qua. Họ làm việc không ngơi tay, vừa cười, vừa nói và đã ba lần các cô bị vùi lấp, nhưng đều rũ đất đá đứng dậy tiếp tục làm việc. Đến 16 giờ 30 phút, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc. Một quả bom rơi trúng vào đội hình 10 cô gái.  Một, hai phút, rồi năm phút trôi qua. Mặt đất mù mịt. Cả trận địa lặng đi rồi tiếng khóc vỡ òa. Các cô đã hy sinh.
thap huong 10 co gai
Du khách thập phương về dâng hương tại khu mộ 10 cô gái thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc.
Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN
          10 cô gái Đồng Lộc kiên cường dũng cảm: Võ Thị Tần (24 tuổi), Hồ Thị Cúc (24 tuổi), Nguyễn Thị Nhỏ (24 tuổi), Dương Thị Xuân (21 tuổi), Võ Thị Hợi (20 tuổi), Nguyễn Thị Xuân (20 tuổi), Hà Thị Xanh (19 tuổi), Trần Thị Hường (19 tuổi), Trần Thị Rạng (18 tuổi), Võ Thị Hà (17 tuổi) đã ngã xuống khi tuổi còn quá trẻ.
 Mười đóa hoa ấy vừa độ mười tám, đôi mươi - cái tuổi đẹp nhất của tuổi trẻ, của đời người - đã mãi mãi ra đi, mang trong tim bao nhiệt huyết, khát vọng của ước mơ, hoài bão. Mười đóa hoa ấy đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, đã kiên cường chiến đấu cho lý tưởng cao đẹp của dân tộc.
Những chiến công của các chị đã đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tuổi trẻ Việt Nam. Máu của các chị đã góp phần tô thắm màu cờ của Tổ Quốc.
Chiến tranh đã lùi vào quá khứ. Mảnh đất Đồng Lộc năm xưa mang trên mình những hố bom chi chít, giờ đã thành địa chỉ xanh chứa đựng những huyền thoại cao cả, linh thiêng. Đồng Lộc hôm nay đã đổi thay, những con đường bạt ngàn nắng gió, những đồng ruộng thơm mùi lúa thẳng cánh cò bay. Gió đại ngàn vẫn thổi, tiếng chuông ngân vang một góc trời. Nơi đó, 10 cô gái đã hy sinh cho công cuộc thống nhất đất nước.
          Tuyến đường vào Nam những năm đó, giờ đã thênh thang rộng mở. Cả một vùng Ngã ba Đồng Lộc đã xanh tươi. Từ cầu Sông Nghẽn đi lên vùng cung đường ngã ba là cả một vùng lúa Đại Lộc, Tiến Lộc, Thanh Lộc, Đồng Lộc… xanh mướt. 
          Để có được những cánh đồng trải đầy màu xanh của ngày hôm nay, các chiến sĩ đã phải đánh đổi bằng màu đỏ của máu, bằng cả tuổi thanh xuân. Tổ quốc mãi ghi công những người con gái Thanh niên xung phong!
Để ghi sâu tội ác và ghi lại chiến tích anh hùng của 10 cô gái tại Ngã ba Đồng Lộc, ngày 7/6/1972, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho tiểu đội 10 cô gái. Và Ngã ba Đồng Lộc cũng đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia
Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN
 
27-7-1947: NGÀY THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ
 
         Cách mạng tháng tám 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Núp sau quân Anh - Ấn, chúng trắng trợn gây nên những vụ xung đột vũ trang ở nhiều nơi thuộc Nam Bộ, Trung Bộ. Tiếp đó, khi vào thay thế quân đội Tưởng Giới Thạch ở Bắc Bộ, thực dân Pháp gây ra những vụ bắn phá giết hại dân ta ở Hải Phòng, Hà Nội….. mở đường cho việc xâm lược cả nước ta.
        Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn độc lập, tự do, quân và dân ta ở những nơi thực dân Pháp gây hấn đã chiến đấu anh dũng, chặn bàn tay đẫm máu của thực dân xâm lược. Trong cuộc chiến đấu này, một số chiến sĩ, đồng bào ta bị thương và hi sinh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã dành tình yêu thương của mình, góp phần chăm sóc các gia đình liệt sĩ, anh em thương binh, bênh binh một cách tận tình chu đáo.
          Đầu năm 1946, “Hội giúp binh sĩ tử nạn” sau đổi tên “Hội giúp binh sĩ bị thương” được thành lập ở Thuận Hoá (Bình Trị Thiên) ở Hà Nội và một số nơi khác. Hồ Chủ tịch là hội trưởng danh dự của hội.
Ngày 28/5/1946, “hội giúp binh sĩ bị nạn” tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại nhà hát thành phố Hà Nội và Hồ chủ tịch đã đến dự. Ngày 7/11/1946, cũng tại nhà hát thành phố Hà Nội, buổi quyên góp ủng hộ quần áo giày mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận đã được tổ chức, mở đầu cuộc vận động “Mùa đông chiến sĩ”, tại đây Hồ chủ tịch đã cởi chiếc áo rét của Người đang mặc để tặng binh sĩ.
Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chiến tranh lan rộng ra nhiều vùng. Số người bị thương, hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sĩ, nhất là những chiến sĩ bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong tình hình ấy, Đảng và nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng về công tác thương binh liệt sĩ, góp phần ổn định đời sống tinh thần và vật chất của thương binh, gia đình liệt sĩ trong thời kỳ đầu của cuốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
         Tháng 6/1947, đại biểu của tổng bộ Việt Minh, Trung Ương hội phụ nữ cứu quốc, Trung Ương đoàn thanh niên cứu quốc, cục Chính Trị Quân Đội quốc gia Việt Nam, nhà thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh liệt sĩ và thực hiện chỉ thị của Hồ chủ tịch chọn một ngày nào đó làm ngày Thương binh liệt sĩ. Sau khi cân nhắc nhiều mặt, hội nghị nhất trí đề nghị Trung Ương lấy ngày 27/7/1947 làm ngày thương binh liệt sĩ – ngày toàn dân cùng thể hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn.
Nguồn: lichsuvietnam.vn
  SỔ TAY NGHIỆP VỤ
Trong tài liệu sinh hoạt chi Đoàn số tháng 7 năm 2021, chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên các biện pháp phòng tránh tai nạn đuối nước ở trẻ em:
Trong các dịp lễ, tết, nhất là vào kỳ nghỉ hè, nhiều gia đình, cơ quan, trường học sẽ tổ chức cho các bạn học sinh đi nghỉ mát, tắm biển. Khắp nơi trẻ em cũng sẽ tự rủ nhau đi tắm mát ở sông, suối, ao, hồ... do đó nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước là rất cao. Mỗi khi mùa hè đến, lo lắng về đuối nước luôn thường trực và có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào. Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải nhiều vụ trẻ em đuối nước rất thương tâm do sự bất cẩn của người lớn.
Đuối nước không chỉ xảy ra ở sông, suối, ao hồ,... mà còn có thể xảy ra ở ngay tại nhà, nơi làm việc, nhà trường, nhà trẻ,... Vì thế  các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, mọi người cần có hiểu biết cách phòng và kĩ năng xử trí tai nạn đuối nước là rất cần thiết.
* Vì sao đuối nước thường dẫn đến tử vong?
Đuối nước là tình trạng nước tràn vào đường hô hấp làm cho các cơ quan bị thiếu oxy và các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động.
- Người ta thống kê thấy khoảng 4/5 trường hợp chết đuối mà trong phổi có nước và 1/5 còn lại chết đuối nhưng phổi không có nước.
- Sở dĩ có tình trạng chết đuối mà trong phổi không có nước là do người không biết bơi bất ngờ bị chìm trong nước, nạn nhân hoảng sợ khiến các phản xạ bị rối loạn làm cơ thể bị chìm, phản xạ co cơ nắp thanh quản và đóng khí quản lại làm nạn nhân không thở được dẫn đến thiếu oxy não và bất tỉnh. Từ chỗ nắp thanh quản bị đóng nên nước cũng không vào phổi được. Đó cũng được gọi là chết đuối khô.
Vì vậy khi gặp trường hợp đuối nước cần xử trí khẩn trương, kiên trì, ngay tại chỗ để giải phóng đường hô hấp.
Nguyên tắc cấp cứu tại chỗ
Nguyên tắc này cần khẩn trương, đúng phương pháp với mục đích cấp cứu là giải phóng đường thở và cung cấp oxy cho nạn nhân. Do vậy việc làm đầu tiên cần đưa nạn nhân ra khỏi nước:
- Nếu nạn nhân còn tỉnh giãy giụa dưới nước ta cần khẩn trương tìm cách đưa họ lên bờ. Nếu không biết bơi ta phải tìm khúc gỗ, phao… ném xuống cho họ bám vào để lên bờ hoặc chạy ngay đi tìm người lớn đến cứu.
- Tuyệt đối không nhảy xuống nước nếu không biết bơi. Vì nạn nhân lúc này trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì với được, kể cả người cứu nạn. Khi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước cần phải nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp cho nạn nhân trấn tĩnh và thở.
- Nếu nạn nhân bất tỉnh dưới nước (chỉ xuống cứu khi người cứu biết bơi). Nếu không thì gọi người hỗ trợ hoặc dùng thuyền nếu có để ra cứu.
duoi nuoc
Ngay sau khi đưa được nạn nhân vào bờ, cần tiến hành cấp cứu tại chỗ:
Với trẻ lớn và người lớn:
duoi nuoc1

          - Đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Nếu bệnh nhân tím tái, không thể tự thở, tim ngừng đập (sờ mạch không có) và không có bất cứ phản xạ nào thì phải ấn tim ngoài lồng ngực: Dùng hai tay chồng lên nhau đặt ngay vào vị trí một nửa dưới xương ức và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/1 phút, đồng thời phải khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng nạn nhân và hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo với phương pháp miệng thổi miệng cho nạn nhân.
         - Nếu chỉ có một người tiến hành sơ cấp cứu, thì ấn tim ngoài lồng ngực 15 - 30 nhịp, sau đó hà hơi thổi ngạt 2 lần và tiếp tục lặp lại việc ấn tim ngoài lồng ngực với chu kỳ 15 - 30 lần ấn tim, 2 lần hà hơi thổi ngạt.
         - Nếu có hai người cấp cứu thì một người ấn tim ngoài lồng ngực, một người hà hơi thổi ngạt, kiên trì thực hiện cho đến khi nạn nhân hồi tỉnh trở lại hoặc cho đến khi nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Với trẻ nhỏ:
         - Đặt trẻ nằm ở chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem có còn thở không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực. Nếu lồng ngực không di động tức là trẻ đã ngưng thở; thổi ngạt miệng qua miệng 2 cái chậm. Nếu sau đó trẻ vẫn chưa thở lại được hoặc còn tím tái và hôn mê thì xem như tim đã ngưng đập, cần ấn tim ngoài lồng ngực ngay. Ấn vào vùng nửa dưới xương ức theo cách như sau:
        + Dùng 2 ngón tay cái (đối với trẻ dưới 1 tuổi) ấn ở vị trí giữa và dưới đường nối hai đầu vú 1 đốt ngón tay (tức khoảng bằng bề ngang một ngón tay).
        + Dùng 1 bàn tay (đối với trẻ từ 1 - 8 tuổi) hoặc 2 bàn tay đặt chồng lên nhau (đối với trẻ hơn 8 tuổi và người lớn) ấn vào phía trên mỏm ức 2 đốt ngón tay. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỷ lệ 5/1 (đối với trẻ dưới 8 tuổi) hoặc 15/2 (đối với trẻ trên 8 tuổi).
        - Vẫn phải tiếp tục thực hiện các động tác cấp cứu này cho đến khi nạn nhân tự thở lại được hoặc có sự giúp đỡ của nhân viên y tế. Việc cấp cứu này đôi khi phải mất hàng giờ hoặc lâu hơn.
        - Nếu sơ cứu có kết quả, nạn nhân thở lại, cử động giãy giụa, hay nạn nhân vẫn còn mê nhưng đã có mạch và nhịp thở thì gọi xe cấp cứu hay dùng mọi phương tiện sẵn có chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế có trang bị hồi sức cấp cứu. Quá trình vận chuyển vẫn phải tiếp tục cấp cứu và đắp giữ ấm cho nạn nhân.
        - Khi tỉnh lại, nạn nhân sẽ nôn ra nước, nên phải để nạn nhân ở tư thế an toàn, đầu nằm nghiêng, kê gối dưới hai vai, nới rộng quần áo, phòng cho nạn nhân không bị ngạt trở lại vì sặc chất nôn. Chỉ bỏ cuộc khi đã hô hấp nhân tạo và ép tim được 2 tiếng mà không thấy nạn nhân phục hồi.
           Những việc cần chú ý trong quá trình cấp cứu đuối nước:
         - Không được chậm trễ trong cấp cứu người bị đuối nước, thay vì tìm cách gọi xe cấp cứu, tìm cho được và đầy đủ các phương tiện cấp cứu,... thì phải bằng mọi cách và khả năng hiểu biết cấp cứu nạn nhân ngay.
        - Không nên cố tìm cách cho nước trong phổi nạn nhân chảy hết ra ngoài bằng cách xốc nước (vác nạn nhân chạy vòng vòng cho nước chảy ra) vì như thế sẽ bỏ lỡ thời gian vàng cho việc làm hồi sức cấp cứu tim phổi mà chỉ cần chậm trễ 4 phút thôi là não có nguy cơ bị chết! Trong quá trình hồi sức cấp cứu tim phổi, nước trong phổi sẽ tự động thoát ra ngoài. Nếu là nước sông, hồ thì nước sẽ thấm vào hệ tuần hoàn rất nhanh do hiện tượng thẩm thấu (nước sông có nồng độ loãng hơn máu).
         - Khi làm xoa bóp tim ngoài lồng ngực, cần chú ý không quá mạnh vì có thể làm gãy xương sườn nạn nhân, nhất là trẻ nhỏ.
Với ngạt nước, sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật là những yếu tố quan trọng nhất, quyết định đến sự sống còn và khả năng bị di chứng não của người bị nạn.
         * Để phòng tai nạn đuối nước mọi người cần lưu ý đến những việc sau đây:
Đối với trẻ lớn và người lớn:
- Không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không.
- Khi đi bơi nên đi chung với những người bơi giỏi và nên mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền.
- Không ăn no, không uống rượu trước khi xuống nước.
- Chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát.
Đối với trẻ nhỏ:
- Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên và không được rời mắt để làm công việc khác như đọc sách, tán chuyện gẫu, chơi bài,…
- Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.
- Nhà khá giả có hồ bơi nên rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào.
- Nên cho trẻ tập bơi sớm (trên 4 tuổi).
CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI
          Chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên, các tổ chức Đoàn thông tin Chính sách mới nổi bật:
          1. Thu hồi Sổ hộ khẩu và không cấp mới đối với người tách hộ
        Thông thường, khi người dân thực hiện thủ tục tách hộ sẽ được cơ quan đăng ký cư trú cấp mới Sổ hộ khẩu. Nhưng kể từ ngày 01/7/2021, người thực hiện thủ tục tách hộ sẽ bị thu hồi Sổ hộ khẩu và không cấp mới theo Thông tư 55/2021/TT-BCA quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.
         Theo đó, khoản 2 Điều 26 Thông tư 55 quy định như sau:
        Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.
       Theo quy định này, khi người dân thực hiện thủ tục tách hộ dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu thì sẽ bị thu hồi sổ và không được cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu.
        Ngoài ra, từ 01/7/2021, thành viên hộ gia đình được tách hộ để đăng ký thường trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
       - Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Trường hợp có nhiều thành viên cùng đăng ký tách hộ để lập thành một hộ gia đình mới thì trong số các thành viên đó có ít nhất một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
       - Được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý, trừ trường hợp thành viên hộ gia đình đăng ký tách hộ là vợ, chồng đã ly hôn mà vẫn được cùng sử dụng chỗ ở hợp pháp đó.
         - Nơi thường trú của hộ gia đình không thuộc trường hợp địa điểm không được đăng ký thường trú mới theo quy định.
         * Hồ sơ tách hộ bao gồm:
        - Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho tách hộ của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản.
       - Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc ly hôn và việc tiếp tục được sử dụng chỗ ở hợp pháp đó (đối với trường hợp tách hộ sau ly hôn).
        * Thủ tục tách hộ
         - Người đăng ký tách hộ nộp hồ sơ đến cơ quan đăng ký cư trú.
        - Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về hộ gia đình liên quan đến việc tách hộ vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin (trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ). Trường hợp từ chối giải quyết tách hộ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Nguồn:https://thukyluat.vn/news/phan-tich-chinh-sach/tu-01-7-2021-thu-hoi-so-ho-khau-va-khong-cap-moi-doi-voi-nguoi-tach-ho-93076.html?ui=I=pFME1EQTTW&pi=09pBeU1TMHdOeTB3TVMweE1DMHdNUTTW  
          2. Công chức hành chính, văn thư không cần có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học
        Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 2/2021/TT-BNV do Bộ Nội vụ ban hành ngày 11/6/2021 về mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư.
        Theo đó, từ ngày 01/8/2021, công chức chuyên ngành hành chính và văn thư không cần phải có chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học so với quy định hiện hành.
       Thay vào đó, yêu cầu công chức chuyên ngành hành chính có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ phù hợp với từng ngạch cụ thể.
       Hiện nay, công chức chuyên ngành hành chính và văn thư phải đáp ứng tiêu chuẩn về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học như sau:
Yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học đối với công chức chuyên ngành hành chính, văn thư theo quy định hiện hành
Công chức chuyên ngành hành chính (Thông tư 11/2014/TT-BNV)
Ngạch chuyên viên cao cấp - Chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 4.
- Chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT (sau đây gọi là chứng chỉ tin học).
Ngạch chuyên viên chính - Chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 3.
- Chứng chỉ tin học.
Ngạch chuyên viên - Chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 2.
- Chứng chỉ tin học.
Ngạch cán sự - Chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 1.
- Chứng chỉ tin học.
Ngạch nhân viên - Không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ và tin học.
Công chức chuyên ngành văn thư (Thông tư 14/2014/TT-BNV)
Ngạch Văn thư chính - Chứng chỉ ngoại ngữ trình độ bậc 3 (hoặc tương đương).
- Có chứng chỉ tin học.
Ngạch Văn thư - Chứng chỉ ngoại ngữ trình độ bậc 2 (hoặc tương đương).
- Chứng chỉ tin học.
Ngạch Văn thư trung cấp - Chứng chỉ ngoại ngữ trình độ bậc 1 (hoặc tương đương).
- Chứng chỉ tin học.
 

Tác giả bài viết: VP TỔNG HỢP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản mới

KH 119

KH 119 TẬP HUẤN NĂM 2020

Lượt xem:2482 | lượt tải:0

KH 118

KH 118 CÁC HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN VÙNG CAO XÃ PHƯỚC GIA

Lượt xem:2528 | lượt tải:0

KH02

KH 02 LIÊN HOAN TCM

Lượt xem:2244 | lượt tải:0

111

KẾ HOẠCH 111 - CHIẾN DỊCH TNTN HÈ 2020

Lượt xem:2864 | lượt tải:0

KH105

KH 105 TỔ CHỨC SƠ KẾT GIỮA NHIỆM KỲ

Lượt xem:2619 | lượt tải:0
Tin tiêu điểm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây