Trang tin điện tử tuổi trẻ huyện Hiệp Đức, Huyện đoàn, Hội liên hiệp thanh niên, Hội đồng đội

http://tuoitrehiepduc.vn


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng nhấn mạnh như vậy trong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của các cơ quan nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng diễn ra sáng nay 15.9.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng
Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương, có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan nội chính Trung ương.
Tại điểm cầu của tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại diện các cơ quan nội chính tỉnh dự hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng ghi nhận, biểu dương và cảm ơn những đóng góp, cống hiến, hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ, công chức các cơ quan nội chính.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Nam sáng nay 15.9.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Nam sáng nay 15.9.
Bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, theo đồng chí Tổng Bí thư, hoạt động của các cơ quan nội chính vẫn còn có những hạn chế, khuyết điểm; đòi hỏi các cơ quan nội chính phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm để có quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt hơn nữa, khắc phục cho bằng được trong thời gian tới.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu, các cơ quan nội chính phải luôn nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phải làm đúng vai, thuộc bài, thật sự am hiểu và luôn luôn giữ nghiêm những nguyên tắc của pháp luật, quy chế, quy định; đặc biệt, rất công tâm, khách quan, trong sáng, sử dụng và kiểm soát có hiệu quả quyền lực mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.
Chủ động dự báo sớm, đánh giá đúng tình hình, nhận diện rõ các nguy cơ đe dọa đến lợi ích quốc gia dân tộc, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách, giải pháp có tính chiến lược trong bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, không để phát sinh điểm nóng, bị động bất ngờ.
Cùng với đó, tăng cường quốc phòng an ninh, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng một xã hội thật sự kỷ cương, giữ vững môi trường hòa bình, an ninh, an toàn để phát triển đất nước. Xây dựng và phát triển mạnh mẽ thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc làm nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội theo phương châm phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, bảo vệ quốc phòng an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
“Trong thực thi công vụ người cán bộ, chiến sĩ, công chức ngành nội chính phải gương mẫu, rất công tâm, khách quan, có dũng khí, có bản lĩnh, xuất phát từ động cơ trong sáng, tình cảm chân thành, tình đồng chí anh em, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, nhân dân lên trên hết, trước hết.
Khi có vấn đề còn có ý kiến khác nhau, các cơ quan cùng ngồi lại bàn bạc, tìm tiếng nói chung, thống nhất để cùng triển khai thực hiện, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, quyền anh quyền tôi, cua cậy càng, cá cậy vay; mà vấn đề vướng mắc phải được bàn bạc, giải quyết triệt để, thấu đáo, hợp lý, hợp tình, có sức thuyết phục nhau trên tinh thần đồng chí anh em, tuân thủ pháp luật và quy định của Đảng.
Nếu qua trao đổi, họp bàn mà vẫn chưa thống nhất được thì vận dụng xin cơ chế phối hợp, xin ý kiến của cơ quan có thấm quyền trong các vụ xử án. Các vụ việc như đã và đang làm rất có hiệu quả trong thời gian vừa qua của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng” – đồng chí Nguyễn Phú Trọng phát biểu.
Cũng theo đồng chí Tổng Bí thư, các cơ quan nội chính đẩy mạnh công tác xây dựng thể chế, lập pháp và tổ chức thi hành nghiêm túc, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nội chính, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bị tác động không trong sáng của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
 “Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta, do vậy, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực. Xử lý đồng bộ kỷ luật Đảng với kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật hình sự đối với những người vi phạm, bất kể đó là ai” – Tổng Bí thư nhấn mạnh. 
Theo đồng chí Tổng Bí thư, công tác nội chính phải thường xuyên đối mặt với những thử thách, tiêu cực trong xã hội, môi trường nhạy cảm, khiến con người rất dễ bị sa ngã, vi phạm. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ, công chức các cơ quan nội chính hơn ai hết rất cảnh giác, tỉnh táo, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tác phong công tác, lối sống.
Phải có trái tim sục sôi bầu nhiệt huyết cách mạng, sẵn sàng hành động vì nước, vì dân; có cái đầu đầy bản lĩnh và trí tuệ để khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng; có đôi chân vững chắc và bàn tay sạch để đứng vững, đứng thẳng và khước từ mọi cám dỗ tầm thường, giữ danh dự của người cán bộ nội chính.
Trong mọi hoàn cảnh luôn luôn nhớ đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng, Nhà nước và chế độ. Còn Đảng thì còn mình, xứng danh là thanh bảo kiếm sắc bén, là lá chắn thép của Đảng, Nhà nước, nhân dân...
Theo báo cáo “Tình hình, kết quả công tác nội chính nhiệm kỳ Đại hội XII và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và 87.000 đảng viên vi phạm. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương, sự đoàn kết, thống nhất, trong sạch, vững mạnh của Đảng.
Ngành Thanh tra, Kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 580 nghìn tỷ đồng, gần 9.000 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 9.700 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 480 vụ việc có dấu hiệu tội phạm; kiến nghị khắc phục nhiều sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã xử lý kỷ luật hơn 3.200 cán bộ, đảng viên vi phạm liên quan đến tham nhũng, trong đó hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra 1.202 vụ/2.649 bị can, truy tố 1.141 vụ/2.731 bị can, xét xử sơ thẩm 1.100 vụ/2.663 bị cáo về các tội tham nhũng, trong đó có 18 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng được nâng lên, đạt tỷ lệ trung bình hàng năm hơn 32% so với số tiền có điều kiện thi hành, tăng gấp 3 lần so với nhiệm kỳ trước.
 

Nguồn tin: Tỉnh đoàn Quảng Nam

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây