Trang tin điện tử tuổi trẻ huyện Hiệp Đức, Huyện đoàn, Hội liên hiệp thanh niên, Hội đồng đội

http://tuoitrehiepduc.vn


ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN: Kỷ niệm 55 năm Ngày Bác Hồ đến thăm và nói chuyện tại Đại hội thi đua các Đội TNXP chống Mỹ cứu nước (12/01/1967 - 12/01/2022)

Với tầm nhìn chiến lược về vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, cách đây 70 năm, ngày 15/7/1950, Bác Hồ đã giao nhiệm vụ cho Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam tổ chức một đội thanh niên tập trung dài ngày phục vụ chiến dịch lấy tên là: “Đội Thanh niên xung phong công tác” cho phù hợp với đặc điểm của thanh niên là luôn hăng hái xung phong đi đầu trong mọi nhiệm vụ.
1. Sự ra đời của Lực lượng TNXP

Với tầm nhìn chiến lược về vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, cách đây 70 năm, ngày 15/7/1950, Bác Hồ đã giao nhiệm vụ cho Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam tổ chức một đội thanh niên tập trung dài ngày phục vụ chiến dịch lấy tên là: “Đội Thanh niên xung phong công tác” cho phù hợp với đặc điểm của thanh niên là luôn hăng hái xung phong đi đầu trong mọi nhiệm vụ. Quyết định lịch sử ấy đã khai sinh ra Đội Thanh niên xung phong (TNXP) công tác Trung ương đầu tiên tại Núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, gồm 03 Liên phân đội với 225 cán bộ, đội viên do đồng chí Vương Bích Vượng - ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn làm Đội trưởng. Đầu tháng 8-1950, Đội TNXP công tác Trung ương xuất quân phục vụ Chiến dịch Biên giới, đã lập công xuất sắc, được Bác Hồ gửi thư khen, được Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tuyên dương: “Đội TNXP công tác đã nêu cao tinh thần tích cực xung phong, triệt để tuân theo kỷ luật chiến trường, tổ chức chặt chẽ, gương mẫu trong mọi nhiệm vụ…”

Ngày 20-3-1951, Bác Hồ đến thăm đơn vị Liên phân đội 312 làm nhiệm vụ tại cầu Nà Cù, thôn Nà Cù, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn và đọc tặng 4 câu thơ:

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”

4 câu thơ là lời giáo huấn, là phương hướng tư tưởng và hành động cho lực lượng TNXP và thế hệ trẻ Việt Nam.

Đầu tháng 8/1950, Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương xuất quân phục vụ Chiến dịch biên giới Cao – Bắc – Lạng, cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong không quản khó khăn, lao động sáng tạo, quên mình phục vụ chiến dịch và đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ được giao, được Bác Hồ gửi thư khen, được Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tuyên dương: “Đội Thanh niên xung phong công tác đã nêu cao tinh thần tích cực xung phong, triệt để tuân theo kỷ luật chiến trường, tổ chức chặt chẽ, gương mẫu trong mọi nhiệm vụ…”.

Trong kháng chiến, Thanh niên xung phong đã luôn kề vai sát cánh cùng các lực lượng vũ trang có mặt, bám trụ trên các tuyến đường chiến lược, ở các trọng điểm ác liệt của chiến tranh, giáp mặt với quân thù, với tinh thần xả thân chiến đấu và quên mình phục vụ chiến đấu, không ngại hy sinh gian khổ, sáng tạo, khắc phục khó khăn, dũng cảm mở đường, phá bom mìn, đào hầm, chuyển lương, tải đạn, phục vụ kháng chiến trên các chiến trường, chiến dịch như: Biên giới, Trung Du, Đông Bắc, Thượng Lào, An toàn khu (ATK), Pha Đin, Ngã ba Cò Nòi… mà điển hình là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Tiếp nối và phát huy tinh thần đó, hàng vạn Thanh niên xung phong lại hăng hái lên đường làm nhiệm vụ trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc thời kỳ 1954- 1964 để mở đường chiến lược Lai Châu - Ma Lù Thàng; đường chiến lược 12B Hòa Bình; khôi phục đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan; mở đường “Hạnh phúc” từ Hà Giang vượt đỉnh Mã Pí Lèng và cao nguyên đá Đồng Văn đến Mèo Vạc; xây dựng các khu công nghiệp Hà Nội, Việt Trì, Hải Phòng…

2. Thanh niên xung phong kháng chiến chống Mỹ (1965 - 1975)

Khi đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, tiến hành “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, “leo thang” đánh phá miền Bắc, cả nước sục sôi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, từ phong trào “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” của Đoàn thanh niên lao động Việt Nam, đã có trên 28 vạn nam nữ thanh niên tình nguyện tham gia Lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, tiếp bước cha anh lên đường với quyết tâm “Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

- Ở Miền Bắc và trên mặt trận đường Trường Sơn, với tinh thần “Ba sẵn sàng”, Lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung với trên 14 vạn cán bộ chiến sĩ, đã có mặt trên khắp mọi tuyến đường ra trận, hăng hái chiến đấu, lao động sáng tạo, học tập, rèn luyện, sẵn sàng hy sinh anh dũng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ: mở đường chiến lược; vận chuyển quân trang; trực chiến, chốt giữ những trọng điểm địch đánh phá ác liệt, san lấp hố bom, sửa chữa cầu đường, tháo gỡ bom mìn, hướng dẫn xe đi và chiến đấu đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt trong mọi tình huống, góp phần quan trọng đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Thực hiện Chỉ thị số 71/TTg-CN ngày 21/6/1965 của Thủ tướng Chính phủ, về việc thành lập các Đội TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung để làm nhiệm vụ. Ngay sau khi Chỉ thị, đã có 14 vạn nam, nữ, cán bộ, đội viên TNXP gia nhập 170 Đội và 50 Đại đội thực hiện nhiệm vụ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Chiến tranh càng ác liệt, lực lượng TNXP ngày càng đông. Từ 1965-1975 đã có 24 tỉnh, thành phố và các địa phương huy động 271.000 cán bộ, chiến sỹ TNXP trên khắp các chiến trường để phục vụ chiến đấu, tham gia chiến đấu, tháo gỡ bom mìn, cáng tải thương binh, tử sỹ, vận chuyển vũ khí, đạn dược, hậu cần. Đặc biệt là mở đường chiến lược, đảm bảo giao thông, phục vụ cho việc vận tải hậu cần cho chiến trường Miền Nam, đánh thắng chiến tranh ngăn chặn của Đế quốc Mỹ. 22 vạn cán bộ chiến sỹ TNXP của Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, Bộ Lâm nghiệp và các địa phương đã có mặt trên các chiến trường để giữ vững mạch máu giao thông. TNXP Ban 67 đã cùng với bộ đội Trường Sơn, Đoàn 559 mở đường Trường Sơn lịch sử, phục vụ cho các chiến dịch vận tải, đảm bảo cho sự thắng lợi của chiến trường Miền Nam, dẫn đến thắng lợi hoàn toàn mùa xuân năm 1975.

Ở đường Trường Sơn, chúng ta đã huy động 46.000 TNXP làm nhiệm vụ ở tất cả 5 tuyến trục dọc, 21 tuyến trục ngang, điển hình là các tuyến 12, 15A, 15B, đường 20 quyết thắng, đường 10, đường Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn… Các trọng điểm như Đồng Lộc, Khe Ve, Bãi Dinh, Cổng Trời-Mụ Dạ, 050, Đèo Đá Đẽo, phà Xuân Sơn, Long Đại, Quán Hầu và hàng 100 trọng điểm khác. Tại đường 20 quyết thắng các trọng điểm như cua chữ A, ngầm Ta Lê, Đèo Phu La Nic… trận chiến 350 ngày đêm đánh phá, địch đã đánh 969 trận B52 rải thảm, 2.000 trận máy bay ném bom cường kích với 300.000 quả bom các loại, nhưng vẫn không khuất phục được chúng ta.

Trong 10 năm, TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung đã mở 102 con đường chiến lược với tổng chiều dài 4.130km; vận chuyển trên 10 vạn tấn vũ khí, đạn, lương thực; trực chiến chốt giữ gần 3.000 trọng điểm chiến lược giao thông quan trọng địch thường xuyên đánh phá ác liệt, san lấp hàng vạn hố bom, phá gỡ trên 10.000 bom địch các loại, bắn rơi 15 máy bay Mỹ, bắt sống 13 phi công Mỹ và gần 1.000 tên địch, phá hỏng 20 xe tăng, xe bọc thép, phục vụ gần 1.000 trận đánh,…bổ sung sang quân đội 16.000 người, 15.000 người được kết nạp vào Đảng khi làm nhiệm vụ, có 52 Dũng sĩ diệt Mỹ, 1.432 Dũng sĩ quyết thắng trên các chiến trường.

Với những thành tích xuất sắc trên, Lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, 372 Huân chương, Huy chương các loại và hàng ngàn Bằng khen, Giấy khen cho các tập thể và cán bộ, đội viên TNXP có thành tích xuất sắc; trong 10 năm đã có trên 2.000 chiến sĩ TNXP anh dũng hy sinh và gần 5.000 chiến sĩ TNXP bị thương trong chiến đấu và lao động.

- Trên mặt trận chiến trường Miền Nam, với tinh thần “Năm xung phong”, Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam đã anh dũng kiên cường cùng bộ đội trên các chiến trường tham gia chiến đấu, phục vụ chiến dấu, vận tải vũ khí, đạn dược, lương thực, vận chuyển thương binh, rà phá bom mìn. Ngày 20/4/1965 đơn vị TNXP giải phóng đầu tiên được thành lập. Bước đầu có 108 cán bộ, đội viên, sau phát triển lên gần 5.000 người, phục vụ các Sư đoàn bộ đội chủ lực và hậu cần cho Miền Đông Nam Bộ, đồng thời thành lập đơn vị TNXP tập trung với gần 5.000 người, phục vụ bộ đội ở Khu, tỉnh; nhiều nơi phát triển TNXP huyện, xã thành “Thanh niên xung phong cơ sở”. Dần dần lực lượng hùng hậu lên đến 4,5 vạn nam, nữ, cán bộ, đội viên tham gia phục vụ các chiến trường. TNXP đã kề vai sát cánh cùng bộ đội trên các địa bàn trọng điểm ác liệt như: Miền Đông Nam Bộ, Miền Tây Nam Bộ, , Tây Ninh, đường 1C; chiến dịch Phước Long, Sông Bé; Núi Thành (Quảng Nam), chiến dịch Quảng Đà, Liên Khu V. Riêng tuyến đường 1C suốt trong 9 năm, Liên đội I đã gan dạ, dũng cảm chiến đấu vượt qua bom đạn dể vận chuyển 10.000 tấn quân trang, vũ khí; tiếp nhận về Đất Mũi 1 vạn quân; phối hợp với quân chủ lực bắn rơi hàng 100 máy bay, diệt 50 xe tăng địch, diệt hàng ngàn tên Mỹ, nguỵ; giữ vững huyết mạch từ Quân khu 9 về Trung ương cục Miền Nam.

Lực lượng TNXP giải phóng miền Nam đã phục vụ 641 trận đánh, trực tiếp chiến đấu trên 40 trận, bắt sống 856 tên địch, trong đó 286 lính Mỹ, bắn rơi 5 máy bay Mỹ, phá hỏng 20 xe tăng; làm và sửa chữa 29km đường ô tô, 185km đường xe thồ 125m cầu, đào 1135 km hầm hào, xây dựng 08 bệnh viện và 272 kho quân dụng; vận chuyển 23.117 tấn hàng, 9.538 thương binh và đưa 18.000 lượt bộ đội qua sông; chăm sóc nuôi dưỡng 2.077 thương binh,… cung cấp cho lực lượng vũ trang 550 cán bộ chiến sĩ và các cơ quan Trung ương cục 160 người. Với những thành tích xuất sắc đó, Lực lượng TNXP giải phóng miền Nam (tập thể và cá nhân) từ 1965 đến 1970 đã được tặng thưởng 01 Huân chương Thành đồng hạng Nhất, 03 Huân chương Thành đồng hạng Ba, 01 Huân chương Quân công hạng Ba, 10 Huân chương Giải phóng hạng Nhất, 50 Huân chương Giải phóng hạng Hai, 117 Huân chương Giải phóng hạng Ba, 26 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, 152 Huy chương Giải phóng hạng Nhất, 207 Huy chương Giải phóng hạng Hai, 54 dũng sĩ các loại, hàng ngàn bằng khen, giấy khen. Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Lực lượng TNXP giải phóng miền Nam (năm 2009) và chiến sĩ TNXP Đoàn Thị Liên (năm 2000).

Lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy truyền thống của các thế hệ Thanh niên xung phong đi trước lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có 37 tập thể và 36 cá nhân Thanh niên xung phong được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng và hàng vạn tập thể, cá nhân được tặng các danh hiệu thi đua cao quý khác. Sau khi kết thúc chiến tranh có 30.000 cán bộ chiến sĩ được chuyển sang công tác, học tập, làm việc ở các ngành, địa phương, nhiều người đã trở thành cán bộ khoa học, cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng đất nước.

3. Đại hội thi đua các Đội TNXP chống Mỹ năm 1967

Ngày 12/01/1967, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNLĐ Việt Nam tiếp tục tổ chức Đại hội thi đua các Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tại thủ đô Hà Nội để kịp thời động viên, biểu dương lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Tại Đại hội thi đua lần này, vinh dự được đón Bác Hồ đã đến thăm và phát biểu ý kiến với các đại biểu ưu tú của Lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tập trung. Tại Đại hội, Bác nói: “Bác rất vui lòng vì thanh niên ta đã lập nhiều thành tích tốt, xứng đáng là thanh niên anh hùng của một dân tộc anh hùng Nước Việt Nam ta ngày càng anh hùng. Trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước, quân và dân ta càng đánh càng mạnh, càng giành được nhiều thắng lợi to lớn. Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua lần thứ nhất, chúng ta mới có bảy người được tuyên dương là anh hùng. Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua lần thứ hai có thêm 95 anh hùng. Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua lần thứ ba, số người được tuyên dương là anh hùng nhiều thêm. Đến Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước vừa rồi, chúng ta đã có 45 đơn vị anh hùng, 111 anh hùng. Trong số 111 anh hùng vừa được tuyên dương tại Đại hội, có 44 anh hùng là thanh niên, trong đó có 12 anh hùng là thanh niên gái, Thế là thanh niên ta ngày càng có nhiều anh hùng, thanh niên gái cũng rất anh hùng. Bác nhắc các cháu một điều, điều này Bác đã nói, đồng chị Phạm Văn Đồng cũng đã nói, bây giờ Bác nhắc lại:Nhờ đâu mà chúng ta trở thành anh hùng? Nhờ có Đảng giáo dục, có Đoàn giúp đỡ, có nhân dân bồi dưỡng cho nên chúng ta mới có anh hùng. Anh hùng ấy không phải là anh hùng của một cá nhân, vì dân tộc ta anh hùng, nước ta anh hùng, nhân dân ta anh hùng, Đảng ta anh hùng, cho nên mới nảy sinh nhiều đơn vị anh hùng và nhiều người anh hùng. Vì vậy những đơn vị và người được tặng danh hiệu trước đây đã cố gắng, nay lại phải khiêm tốn hơn học tập và cố gắng hơn. Các cháu nào đã là anh hùng thì phải cố gắng tiến lên nữa, các cháu nào chưa anh hùng thì cố gắng phấn đấu để trở thành anh hùng”.

Bác đến thăm động viên, biểu dương thành tích các Đội TNXP chống Mỹ thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của Đảng, Chính phủ, của Bác Hồ đối với Lực lượng TNXP, thể hiện sự kỳ vọng và niềm tin đối với thế hệ TNXP nói riêng và thế hệ trẻ nói chung. Bài nói chuyện của Bác là lời dạy ân cần sâu sắc, là phương hướng, phương châm hành động, cổ vũ động viên Lực lượng TNXP và thế hệ trẻ biết vươn lên mọi khó khăn gian khổ, nỗ lực rèn luyện phấn đấu tiếp nối truyền thống anh hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

4. Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước trao tặng các phần thưởng và danh hiệu cao quý:

-   Huân chương Sao vàng, năm 2010

-   Huân chương Độc lập hạng Nhất, năm 1978

-   Huân chương Hồ Chí Minh, năm 1997

-   Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, năm 1997 - 43 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động.

-   40 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động.

-   Nhiều tập thể, cán bộ, chiến sĩ TNXP được tặng thưởng Huân chương, Huy chương và các danh hiệu thi đua cao quý khác của Đảng và Nhà nước.

5. Một số địa chỉ đỏ TNXP thời kỳ chống Mỹ

1.   Khu Di tích lịch sử tưởng niệm 60 liệt sĩ TNXP C915 – N91 (Lưu Xá, TP Thái Nguyên, Thái Nguyên)

2.   Nhà bia Tưởng niệm liệt sĩ TNXP C895 – N89 (Ga Núi Gôi, Ý Yên, Nam Định)

3.   Tượng đài TNXP chiến thắng Hàm Rồng, (Đông Hưng, Đông Sơn. Thanh Hóa)

4.   Khu Di tích lịch sử Truông Bồn, (Mỹ Sơn, Đô Lương, Nghệ An)

5. Khu Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc - Miếu thờ 23 liệt sĩ TNXP Phú Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh).

6. Đường 20 Quyết thắng - Hang Tám cô – Nghĩa trang Liệt sĩ TNXP Thọ Lộc (Bố Trạch) - Tượng đài TNXP chống Mỹ cứu nước Xuân Sơn - Nghĩa trang Liệt sĩ TNXP Tân Ấp (Tuyên Hóa) - Nghĩa trang Liệt sĩ TNXP Vạn Ninh tỉnh Quảng Bình

7. Khu Di tích lịch sử TNXP Khu V (Nước Oa, Trà My, Quảng Nam)

8. Tượng đài - Bia ghi danh 50 liệt sĩ TNXP Tổng đội 204 (Đak Pơ, Gia Lai)

9. Đền tưởng niệm Liệt sĩ TNXP H50 (Đa Kai, Đức Linh, Bình Thuận)

10. Nhà bia tưởng niệm Liệt sĩ TNXP C1265 (suối Xà Môn, Kim Long,

Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu)

11. Khu tưởng niệm Liệt sĩ TNXP Giải phóng Miền Nam (Đồi 82,Tân Biên, Tây Ninh)

12. Khu tưởng niệm Liệt sĩ TNXP TP Hồ Chí Minh (Long Phước, Bến Cầu, Tây Ninh)

13. Đền thờ - Bia tưởng niệm 95 Liệt sĩ TNXP Giải phóng Miền Nam (Thanh An, Dầu Tiếng, Bình Dương)

14. Nhà thờ Liệt sĩ anh hùng TNXP Lê Trung Kiên (Lương Quới, Giồng Trôm, Bến Tre)

15. Bia tưởng niệm Liệt sĩ TNXP Đường 1C (Vĩnh Điều, Giang Thành, Kiên Giang)

Ghi chú: Xem nội dung Địa chỉ đỏ - 20 di tích lịch sử TNXP tại Bản đồ số các địa danh lịch sử gắn với tuổi trẻ (doanthanhnien.vn).

Nguồn tin: Tỉnh đoàn Quảng Nam

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây