Trang tin điện tử tuổi trẻ huyện Hiệp Đức, Huyện đoàn, Hội liên hiệp thanh niên, Hội đồng đội

http://tuoitrehiepduc.vn


Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng: Chắp cánh ước mơ sáng tạo

Năm 2019, Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Quảng Nam đón sinh nhật lần thứ 12. Qua mỗi năm, cuộc thi thu hút thêm các ý tưởng sáng tạo của lứa tuổi thanh thiếu niên, với khao khát được chắp cánh ước mơ sáng tạo.

Theo Hội đồng giám khảo sơ tuyển mô hình, giải pháp Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng Quảng Nam lần thứ 12, năm 2019 thu hút 159 mô hình, sản phẩm dự thi của các trường từ cấp tiểu học đến THPT trên toàn tỉnh tham gia với 5 lĩnh vực: phần mềm tin học; đồ dùng học tập; bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế; sản phẩm thân thiện với môi trường; dụng cụ gia đình và đồ chơi trẻ em. Kết quả đã có 120 sản phẩm, mô hình đạt tiêu chuẩn đưa vào chấm chọn. Nhìn chung, các ý tưởng của các em mang tính sáng tạo mới, có ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống như các dụng cụ sinh hoạt hàng ngày bằng vật liệu thân thiện môi trường, tận dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp, đặc biệt nhiều sản phẩm mô hình ứng dụng công nghệ thông tin vào tự động hóa…

Nổi bật ở lĩnh vực đồ dùng dành cho học tập có đề tài “Máy CNC mini” của em Trần Thanh Thọ (lớp 11 chuyên Tin, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm); “Tủ thuốc thông minh” của em Nguyễn Quốc Trung, Nguyễn Thị Hoài Thương (lớp 9/1, Trường THCS Lê Quý Đôn, Phú Ninh) thuộc lĩnh vực các dụng cụ sinh hoạt gia đình và trẻ em. Ở lĩnh vực sản phẩm thân thiện với môi trường có đề tài “Túi xách làm bằng xơ mướp” của em Trần Nguyễn Thanh Thanh (lớp 3C, Trường Tiểu học Số 1 Duy Trung, Duy Xuyên; “Mô hình quy trình hoạt động sử dụng khí nén máy sấy hồng ngoại công nghiệp quy mô lớn” của em Đào Nguyên Tuấn (lớp 8/2, Trường THCS Lê Quý Đôn, Phú Ninh) với giải pháp bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

Đáng chú ý ở lĩnh vực phần mềm tin học, em Phạm Gia Huy (lớp 12/7, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) đã sáng tạo ứng dụng “Phần mềm ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy môn Sinh ở các trường phổ thông” được Hội đồng Giám khảo đánh giá cao.

Theo khảo sát của Huy, hiện nay rất nhiều sinh viên tại các trường khoa học và công nghệ sinh học cảm thấy chán nản và trượt trong các bài kiểm tra. Nguyên nhân là giáo trình giảng dạy các bộ môn này quá phụ thuộc vào lý thuyết mà ít kinh nghiệm thực tiễn dành cho học sinh - sinh viên; đặc biệt là trong giải phẫu học, việc cung cấp mẫu vật cho người học khó lòng thực hiện. Nhiều sách giáo khoa đã đưa hình ảnh 2D để giúp người học dễ hình dung hơn nhưng dễ gây nhàm chán, không tạo được tương tác giữa người học và dạy.

Để tạo sự khác biệt, Huy đã thiết lập phần mềm dựa trên trí thông minh nhân tạo (AI) qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, Huy xây dựng bộ thẻ 3D các loài động vật quý hiếm in trong Sách đỏ Việt Nam. Giai đoạn 2 là bộ thẻ hỗ trợ giải phẫu động vật, cụ thể là ếch. Ở hai giai đoạn, Huy tiến hành theo quy trình 3 bước. Bước 1 vẽ mẫu 3D các con vật bằng các mô hình có sẵn từ trước bằng véc tơ, gắn khung xương và kích hoạt những tính diễn hoạt cho các con vật. Bước 2 thiết kế thẻ card qua phần mềm adobe photoshop CC đảm bảo độ rõ nét và số lượng điểm ảnh và bước 3 là thiết kế phần mềm qua công nghệ AI với bộ cơ sở dữ liệu vừa được lập trình.

“Kết quả thu lại được gồm 19 động vật quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam và một bộ thẻ giải phẫu sinh vật ếch. Sản phẩm tôi tạo nên đã được đưa đi khảo sát tại một trường THCS thì có 92% học sinh đánh giá sản phẩm rất tốt, 5% đánh giá tốt và 3% đánh giá trung bình. Sản phẩm có giao diện thân thiện, dễ dàng sử dụng, cung cấp thông tin đầy đủ và dễ dàng tiếp cận mọi lứa tuổi học sinh. Sắp tới tôi sẽ cố gắng phát triển phần mềm tương thích với nhiều hệ điều hành, có nhiều ngôn ngữ khác nhau và tích hợp thêm âm thanh, môi trường sống các loài động vật và có thể mở rộng ra ứng dụng vào các bộ môn khác như Hóa học, Vật lý…” - Phạm Gia Huy nói.

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Lê Thị Tuyết Hạnh - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, qua 12 năm tổ chức cuộc thi đã quy tụ nhiều sản phẩm có tính mới, tính sáng tạo cũng như có sự đầu tư sản phẩm đa dạng, phong phú, những sản phẩm này được học sinh đầu tư rất nhiều thời gian dưới sự hướng dẫn của thầy cô và phụ huynh. “Năm nay Ban Giám khảo rất vui và hài lòng khi được chấm chọn nhiều sản phẩm rất độc đáo. Như bằng xơ mướp, phế phụ phẩm trong nông nghiệp đã được các em thiết kế thành túi xách sử dụng được trong thực tế. Có em dùng hơi nén để sấy các sản phẩm nông thôn giúp người dân phơi được nông sản trong mùa mưa lũ” - bà Hạnh nói.

Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng không chỉ là sân chơi truyền thống, nơi gieo những mầm non sáng tạo mà còn tạo cho học sinh nhiều kỹ năng sống và định hướng đam mê khi rời ghế nhà trường các cấp học. Qua 12 năm tổ chức, có những học sinh thành công từ cuộc thi đang học đại học ở các trường tốp đầu trong cả nước, có trường hợp đi du học nay đã trưởng thành lập được công ty công nghệ riêng.

Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Quảng Nam lần thứ 12 - năm 2019 sẽ trao 41 giải cho các tác giả và nhóm tác giả, giấy khen cho tập thể cá nhân. Sau lễ tổng kết trao giải dự kiến vào cuối tháng 8.2019, các mô hình, đề tài xuất sắc sẽ được gửi ra trung ương dự thi vào tháng 9.2019.

Tác giả bài viết: LỮ ĐINH HÀ MY

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây