Chủ tịch nước Trần Đại Quang và những lần thăm tượng đài Bác Hồ ở nước ngoài
- Thứ hai - 24/09/2018 05:35
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hồi 10 giờ 05 phút ngày 21/9/2018, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã vĩnh biệt chúng ta. Vô cùng thương tiếc Chủ tịch Nước Trần Đại Quang, Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần trân trọng giới thiệu bài “Chủ tịch Nước Trần Đại Quang và những lần thăm tượng đài Bác Hồ ở nước ngoài” của nhà báo Yên Ba, người đã nhiều lần tháp tùng đồng chí Trần Đại Quang đi công tác nước ngoài.
Trong trưa nắng Đông Phi xa xôi
Chủ tịch Nước Trần Đại Quang với bà con Việt kiều trước tượng đài Bác Hồ ở Madagascar
Tôi sẽ còn nhớ mãi lần đi công tác tại Thủ đô Antananarivo của đất nước Madagascar ở Đông Phi xa xôi dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16, tháng 11/2016. Buổi trưa Châu Phi, trời nắng như đổ lửa, ai nấy đều đẫm mồ hôi trong những bộ vest trang trọng. Từ phủ Tổng thống Madagascar, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang đi thẳng ra khu tượng đài.
Tượng đài Bác nằm ở trung tâm Thủ đô Antananarivo. Bức tượng đồng được nhà điêu khắc Lê Đình Bảo thiết kế năm 2001, đặt trên bệ đá hoa cương cao 3,4m. Phía dưới bức tượng là tấm biển đồng khắc câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. Đây là bức tượng đài mà người dân Madagascar đã trân trọng dựng lên bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một biểu tượng của cuộc đấu tranh chống lại ách áp bức trên toàn thế giới. Trên hành trình đi làm cách mạng của mình trên con tàu Đô đốc Latouche Tréville ghé qua các hải cảng Châu Phi hồi đầu thế kỷ XX, hình ảnh người nô lệ Madagascar đã in sâu trong tâm trí người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc, để rồi nhiều lần Người đã nói về họ với sự cảm thông sâu sắc...
Khi Chủ tịch Nước Trần Đại Quang ra tới nơi, đông đảo bà con người Madagascar gốc Việt vây kín Chủ tịch Nước cùng phu nhân ngay trước khu tượng đài. Nhiều người trong số họ thậm chí còn chưa nói sõi tiếng Việt. Nhưng tình cảm nhớ thương quê hương, đất nước đã kéo họ đến bên người đại diện của quốc gia có mặt ở mảnh đất Châu Phi xa xôi.
Theo chương trình, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang đặt vòng hoa tưởng niệm rồi rời đi. Nhưng xúc động trước tình cảm nồng nhiệt của bà con, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang đã có bài nói chuyện ứng khẩu trước khu tượng đài dưới trời trưa nắng gắt. Trong vô số những điều mà người đứng đầu Nhà nước căn dặn bà con, có một điều mà Chủ tịch Nước nhắc đi nhắc lại với sự tha thiết: “Tôi mong mỏi bà con hãy cố gắng học tiếng Việt, luôn nhớ về quê hương và dẫu có xa xôi nghìn trùng cách trở, Tổ quốc không bao giờ quên bà con...”.
Rồi Chủ tịch Nước đứng chụp ảnh chung với bà con trước khu tượng đài. Hết lượt này đến lượt khác, Chủ tịch Nước vẫn nở nụ cười tươi dưới trời trưa nắng nóng cùng với bà con xa Tổ quốc ở Châu Phi xa xôi...
“Nón lá” dưới trời Caribe
Cũng trong tháng 11/2016 ấy, trước khi đến Madagascar dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang đã có chuyến thăm chính thức Cộng hòa Cuba. Chiều 15/11/2016, vừa đặt chân tới La Habana, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang đã có cuộc gặp với Fidel, người mà nhiều năm trước đã từng thốt lên câu nói từ trái tim: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!”.
Chủ tịch Nước Trần Đại Quang cũng không thể ngờ được rằng ông là vị nguyên thủ nước ngoài cuối cùng có dịp gặp nhà lãnh đạo huyền thoại của cách mạng Cuba.
Sáng hôm sau, Chủ tịch Nước đến đặt vòng hoa tưởng niệm tại Khu tượng đài Bác Hồ ở Thủ đô La Habana.
Công trình tượng đài Bác Hồ được đặt trong Công viên Acapulco, còn gọi là Công viên Hòa bình hay Công viên Hồ Chí Minh thuộc quận Nuevo Vedado ở trung tâm La Habana. Người được giao thiết kế công trình là kiến trúc sư Yoel Diaz.
Các nghệ nhân Việt Nam đã đảm nhiệm việc đúc tượng bán thân Bác Hồ bằng đồng tại Việt Nam. Tháng 10/2002, trong chuyến thăm chính thức Cuba, Thủ tướng Phan Văn Khải đã trao bức tượng này cho phía Cuba.
Nền của tượng đài được làm bằng đá cẩm thạch đỏ rộng 54m2, được khai thác ở mỏ đá Real Campina thuộc tỉnh Cienfuegos miền Trung Cuba, cách La Habana hơn 350 cây số. Trụ tượng bằng đá hoa cương trắng nguyên khối lấy về từ đảo Thanh niên, cao 2,1m, rộng 1m và dày 0,6m, dựng trên chính giữa một ngôi sao năm cánh trồng hoa vàng, trên trụ có dòng chữ bằng tiếng Tây Ban Nha: Hồ Chí Minh - 19 tháng 5 năm 1890 - 2 tháng 9 năm 1969, giản dị, không trang trí bất cứ hoa văn nào.
Điều đặc biệt là khung bảo vệ phía trên tượng gồm bốn thanh sắt sơn màu đỏ chụm lại cách điệu hình chiếc nón lá quen thuộc của Việt Nam...
Chủ tịch Nước Trần Đại Quang đã kính cẩn đặt vòng hoa trước bức tượng Bác giản dị dưới trời Caribe ngập nắng.
“Nghe tiếng giã gạo”...
Tháng 9/2007, Ủy ban Di sản Quốc gia Singapore quyết định đặt tấm bia tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Văn minh Châu Á, nằm bên bờ sông Singapore. Lý do bởi trên con đường bôn ba hoạt động cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã hai lần đặt chân tới đảo quốc Singapore, khi ấy vẫn còn được người Việt biết đến với tên gọi Tân Gia Ba. Lần thứ nhất vào tháng 5/1930, lần thứ hai tháng 01/1933.
Tấm bia tưởng niệm làm bằng chất liệu đá hoa cương đen, cao 1,8m, rộng 0,75m, dày 0,23m; trên có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và tiểu sử tóm tắt của Người. Mặt sau bia tạc bài thơ Nghe tiếng giã gạo của Bác. Hình hoa sen tiêu biểu cho Làng Sen quê Bác chạm mờ được hiển thị trên cả hai mặt của tấm bia. Tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được ghi dấu đầy đủ theo tiếng Việt, góp phần tăng thêm tính biểu tượng và tôn nghiêm cho tấm bia.
Đến tháng 10/2011, phía Singapore quyết định chọn việc dựng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Văn minh Châu Á khởi đầu cho Chương trình tôn vinh “Những người bạn đến bờ biển chúng ta”. Bức tượng trông ra bờ sông Singapore, khánh thành tháng 10/2011.
Ngày 29/8/2016, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang và Phu nhân đã tới dâng hương, đặt vòng hoa ở tượng đài Bác Hồ bên bờ sông Singapore. Chủ tịch Nước Trần Đại Quang dừng rất lâu trước bia tưởng niệm rồi vòng lại phía sau đọc kỹ bài thơ Nghe tiếng giã gạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Trong tiếng gió qua cây bạch dương
Trong số các tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt ở nước ngoài, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Moscow tọa lạc trong không gian rộng nhất. Diện tích khuôn viên quảng trường đặt tượng đài là 676m2, có 3 chiếu nghỉ và 8 bậc thang rộng tượng trưng cho 8 cánh hoa sen.
Bức phù điêu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đồng, tác phẩm của Viện sĩ Vladimir Efimovich Tsigal, nằm trong vòng tròn khổng lồ hình mặt trời đặt trên bệ đá hoa cương đường bệ, phía trước là hàng chữ bằng tiếng Nga: KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP, TỰ DO.
Phía sau bức phù điêu nằm trong khối điêu khắc là hình hai cây tre uốn cong, biểu tượng của nước Việt Nam. Hơi chếch phía trước tượng đài là ba cây bạch dương, do một cặp vợ chồng người Nga có thiện cảm với Việt Nam trồng trong những năm trước đây. Hai loại cây như hai biểu tượng bất diệt của hai nước Việt Nam và Nga cùng có mặt tại Khu tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy tình hữu nghị của hai đất nước, hai dân tộc, trải qua bao biến động vẫn trường tồn cùng thời gian.
Từ 28/6 đến 02/7/2017, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang thực hiện chuyến thăm chính thức Liên bang Nga. Đến Moscow chiều 28/6 thì sáng hôm sau, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang đã cùng Đoàn đại biểu Việt Nam tới viếng tượng đài Hồ Chí Minh trên Quảng trường mang tên Người.
Trong tiếng gió thổi vi vút qua những cây bạch dương phía trước tượng đài, Chủ tịch Nước đã trang trọng sửa lại tấm băng đỏ trên vòng hoa trước tượng Bác. Dường như trong tiếng gió, có cả thanh âm quá khứ vọng về, khi trên những chặng đường đầu tiên của hành trình cứu nước, Bác đã dừng chân ở nước Nga, quê hương của Lê-nin vĩ đại.../.
Bài và ảnh: Yên Ba
Theo Báo Quân đội nhân dân cuối tuần