Trang tin điện tử tuổi trẻ huyện Hiệp Đức, Huyện đoàn, Hội liên hiệp thanh niên, Hội đồng đội

http://tuoitrehiepduc.vn


Tài liệu sinh hoạt Chi đoàn tháng 8-2020

I. HỌC TẬP VÀ LÀM THEO LỜI BÁC
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI CÔNG AN NHÂN DÂN
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, cống hiến trọn vẹn đời mình cho dân tộc, Tổ quốc và nhân dân, cho hòa bình, dân chủ, tiến bộ trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành rất nhiều tình cảm đặc biệt và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, cụ thể, thường xuyên đối với lực lượng Công an nhân dân (CAND).
             Trước hết, Người đặc biệt quan tâm xây dựng tính nhân dân của Công an Việt Nam. Theo Người, Công an Việt Nam là Công an nhân dân, dựa vào nhân dân để công tác, chiến đấu và vì nhân dân phục vụ; coi đây là yếu tố quyết định, cội nguồn sức mạnh của CAND và sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự. Trong Thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an khu XII năm 1948, cùng với 6 Điều dạy về Tư cách người Công an cách mạng, Người đã nhấn mạnh: “công an của ta là Công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc”. Khi đến thăm và nói chuyện tại Trường công an trung cấp khóa II, năm 1951, Người chỉ dạy: “Công an nhân dân hoàn toàn khác công an đế quốc. Công an đế quốc là nanh vuốt của đế quốc để hà hiếp áp bức đa số nhân dân... Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng và Chính phủ cho tốt. Công an nhân dân phải thực sự phục vụ nhân dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn yêu cầu CAND phải gần dân, vì dân, kính trọng, lễ phép với nhân dân, lấy sự tin yêu của nhân dân để đánh giá chất luợng, hiệu quả công việc. Hơn thế, CAND phải nhận thức rõ sức mạnh và vai trò của nhân dân đối với công tác công an, phải làm sao cho nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự cũng là nhiệm vụ của toàn dân. Người đã chỉ rõ: “Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có 5 vạn cặp mắt, 5 vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được”; “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”. Với sự quan tâm, chăm lo của Bác Hồ, của Đảng, Nhà nước, CAND Việt Nam thực sự là Công an của nhân dân, luôn được nhân dân đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ.
Bản chất giai cấp công nhân của CAND cũng là yếu tố cốt lõi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta tập trung chăm lo trong quá trình xây dựng CAND Việt Nam. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, chiến sĩ và toàn lực lượng CAND phải đặt lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết, CAND phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của Đảng, phải phục tùng đường lối, chính sách của Đảng, Người đã chỉ dạy: “Công an cách mạng là một vũ khí sắc bén của chuyên chính vô sản”, “công an phải bảo vệ dân chủ của nhân dân và thực hiện chuyên chính với những kẻ chống lại dân chủ của nhân dân”. “Công tác công an phải gắn chặt với đường lối chính trị của Đảng. Nếu thoát ly đường lối chính trị của Đảng, thì dù khéo mấy cũng không kết quả”; “Đảng có lãnh đạo chính trị đúng, thì chuyên môn mới đúng”; “Đối với Chính phủ: Phải tuyệt đối trung thành”. Chính vì vậy, CAND Việt Nam luôn mang trong mình bản chất giai cấp công nhân, thực sự là đội quân tiên phong, nòng cốt trong đấu tranh chống phản cách mạng, chống gián điệp, phản động, phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, chế độ, chính quyền cách mạng và bảo vệ nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ CAND luôn cố gắng rèn luyện, phấn đấu trở thành đảng viên của Đảng, hệ thống tổ chức đảng trong CAND không ngừng được củng cố và phát triển lãnh đạo mọi mặt công tác công an. Lực lượng CAND được tôi luyện qua các thời kỳ cách mạng đã trở thành đội ngũ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, “chỉ biết còn Đảng thì còn mình”, trung thành vô hạn với lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.
           Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người đầu tiên dày công xây dựng tổ chức bộ máy CAND. Sự trưởng thành, lớn mạnh của lực lượng CAND ngày nay bắt đầu từ sự quan tâm chăm lo đặc biệt ấy của Người. Trong Cách mạng Tháng Tám, từ những tổ chức tiền thân như “Đội Tự vệ đỏ”, “Đội tự vệ công nông cách mạng”, “Đội danh dự Việt Minh”..., CAND Việt Nam đã ra đời. Trải qua các thời kỳ lịch sử, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của CAND không ngừng kiện toàn, hoàn thiện theo hướng tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn đầu mối, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự của đất nước.
Cùng với việc xây dựng CAND về tổ chức, Người đặc biệt quan tâm xây dựng đạo đức, tư cách người Công an cách mạng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thường xuyên thực hành, nêu gương về đạo đức, lối sống, nói đi đôi với làm và phải tu dưỡng đạo đức suốt đời. Trong đó, 6 điều Bác Hồ dạy CAND về tư cách người công an cách mệnh là một trong những điểm nhấn đặc biệt quan trọng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa đức và tài, giữa bản lĩnh chính trị vững vàng và đạo đức cách mạng trong sáng đặt trong chỉnh thể thống nhất với tư cách người cán bộ, đảng viên cộng sản và các mối quan hệ cơ bản nhất của mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND.
Khi đề cập đến đặc điểm công tác, chiến đấu của CAND và công tác công an, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, lực lượng CAND phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với QĐND và các ngành, các đoàn thể quần chúng trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự. Theo Người: “...công an thì phải đánh địch thường xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hòa bình lại càng nhiều việc”(7); vì vậy, CAND phải thường xuyên thực hiện tốt quan hệ hợp đồng tác chiến vì mục tiêu chung bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ và nhân dân. Tại lễ thành lập lực lượng CAND vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), tháng 3-1959, Hồ Chủ tịch khẳng định: “Công an và quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của vô sản chuyên chính. Vì vậy, càng phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, ra sức phát triển ưu điểm, khắc phục những tư tưởng không đúng...”. Thực hiện chỉ dạy của Bác, CAND đã phối hợp chặt chẽ với QĐND và các tổ chức trong hệ thống chính trị; tập trung xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận lòng dân vững chắc, tạo thành sức mạnh tổng hợp, thế trận liên hoàn trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự.
         Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, trong công tác, chiến đấu, lực lượng CAND phải luôn ghi nhớ, giữ vững và thực hiện nghiêm các nguyên tắc, phương pháp, biện pháp công tác đó là, “Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”; Chủ động phòng ngừa, tích cực tiến công; “cảnh giác giữ bí mật”; “Đánh địch phải đánh cho đúng, như “đánh rắn phải đánh dập đầu”; “phải hết sức cẩn thận và khôn khéo, nghiêm khắc với kẻ ngoan cố, đối với người thật sự cải tạo thì khoan hồng”; phải sử dụng thành thục, chính xác các phương tiện kỹ thuật... Đây là những chỉ dẫn quan trọng, làm cơ sở hình thành, bổ sung, hoàn thiện lý luận nghiệp vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
           Với sự quan tâm, chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sự soi đường, chỉ lối của tư tưởng Hồ Chí Minh, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể, sự tin yêu, giúp đỡ, đùm bọc của nhân dân, lực lượng CAND không ngừng trưởng thành, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, vững về pháp luật, sắc bén về nghiệp vụ và đã có những đóng góp đặc biệt quan trọng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, cuộc kháng chiến chống Pháp với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”, thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, đến công cuộc đổi mới toàn diện, mở cửa và hội nhập quốc tế, xây dựng đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.
Mới đây nhất, thực hiện các Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống dịch Covid-19 và tình nguyện tham gia hiến máu, lực lượng CAND đã gương mẫu, đi đầu, sẵn sàng chấp nhận mọi hiểm nguy, thử thách trên tuyến đầu chống dịch Covid-19; cán bộ chiến sĩ Công an tình nguyện hiến gần 40.000 đơn vị máu, đóng góp quan trọng để thực hiện mục tiêu bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân; tiếp tục làm tỏa sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, được Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
            Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2020); lực lượng CAND bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn trước công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đối với CAND, lúc sinh thời Bác đã dày công chăm lo, giáo dục, rèn luyện và để lại hệ thống tư tưởng chỉ đạo quý báu, giàu tính giáo dục, mãi mãi là kim chỉ nam dẫn đường cho mọi hoạt động, công tác, chiến đấu. Tiếp tục bảo vệ, phát triển và quán triệt, thực hiện theo tư tưởng Hồ Chí Minh; xây dựng lực lượng Công an nhân dân tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, có tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”; có đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chỉ huy các cấp đủ phẩm chất, uy tín, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ. Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, nhất là những biểu hiện bảo kê, tiếp tay cho tội phạm theo phương châm “chủ động, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; nâng cao hiệu quả các mặt công tác; nhạy bén, sắc bén, kiên quyết trong đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các loại tội phạm, lập nhiều thành tích, chiến công xuất sắc hơn nữa, góp phần thực hiện lý tưởng cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đại tướng, GS, TS TÔ LÂM
II. TRUYỀN THỐNG
1. Ngày truyền thống
KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH TUYÊN GIÁO CỦA ĐẢNG (01/8/1930 – 01/8/2020)
              90 năm công tác Tuyên giáo truyền lửa cách mạng và thắp sáng niềm tin
              Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang và những thành tựu tự hào của Ngành đóng góp vào sự nghiệp của Đảng, của dân tộc trong 90 năm qua. Ngành Tuyên giáo đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, thể hiện tính kế thừa và phát triển, đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng.
Thực hiện chủ trương của Đảng được đề ra tại Đại hội lần thứ XII: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù hợp với từng giai đoạn, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với từng đối tượng theo hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả”, trong hơn bốn năm qua, Ngành Tuyên giáo đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, thể hiện tính kế thừa và phát triển đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng.
          Trước hết, cần đề cập đến bối cảnh sau Đại hội XII đến nay để thấy rõ công tác tuyên giáo đã đi trước mở đường cho chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước mau chóng đi vào đời sống xã hội. Có thể thấy, từ sau Đại hội XII, tình hình quốc tế bên cạnh xu thế lớn là hoà bình, hợp tác và phát triển thì có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới, thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại, cạnh tranh chiến lược và xung đột thương mại giữa một số nền kinh tế, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng. Tình hình khu vực, biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp.
           Trong khi đó, ở trong nước, bên cạnh những thành tựu toàn diện đạt được rất quan trọng thì những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế và thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, nhất là dịch bệnh COVID-19 đã trở thành đại dịch trên toàn thế giới, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nền kinh tế. Bốn nguy cơ mà Đảng ta nêu ra từ Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ Khoá VII: Chệch hướng XHCN, tụt hậu xa hơn về kinh tế, tham nhũng và “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch vẫn còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn, lại xuất hiện thêm một nguy cơ mới là nền kinh tế nước ta nếu không phát triển nhanh hơn, sẽ rơi vào bẫy “thu nhập trung bình” vẫn là thách thức lớn.
          Thêm vào đó, bốn vấn đề bức xúc trong xã hội hiện nay: An toàn mạng, an toàn môi trường, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm đang hằng ngày, hằng giờ tác động, ảnh hưởng đến tư tưởng, chất lượng cuộc sống và sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Các thế lực thù địch, đối tượng phản động, bất mãn, cơ hội chính trị ráo riết tiến hành các hoạt động chống phá với nhiều âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhằm tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, vào con đường đi lên CNXH, vào sự nghiệp đổi mới, hòng chia rẽ nội bộ, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.
           Trên bối cảnh đó đã đặt ra cho toàn Ngành Tuyên giáo những thách thức không nhỏ để giữ vững trận địa tư tưởng, tiếp tục kiên định những quan điểm có tính nguyên tắc để thực hiện mục tiêu cao cả của Đảng xây dựng đất nước: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Chỉ đạo phương hướng hoạt động của Ngành Tuyên giáo từ đầu nhiệm kỳ, Đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã nhấn mạnh: “Cần đổi mới sâu sắc, toàn diện, đồng bộ nội dung, phương thức tuyên truyền, kịp thời định hướng tư tưởng chính trị, dư luận xã hội, mở đường cho chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi nhanh vào cuộc sống”.
          Trên tinh thần đó, công tác tuyên giáo trong thời gian vừa qua đã bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp uỷ các cấp, phối hợp chặt chẽ trong và ngoài ngành, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không ngừng đổi mới sáng tạo, nỗ lực triển khai đồng bộ, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, trong đó đã chủ động kịp thời thông tin tuyên truyền tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận xã hội, góp phần vào các thành tựu nổi bật của ngành Tuyên giáo trong thời gian qua.
          Thứ hai, hệ thống tuyên giáo toàn quốc tiếp tục tích cực chủ động tham mưu cấp uỷ Đảng lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới các khâu tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và địa phương. Trước đây, việc tổ chức hội nghị quán triệt nghị quyết được chia làm ba cấp độ trực tiếp ở các cơ quan Trung ương; tỉnh, thành; cơ sở. Lần đầu tiên Ban tuyên giáo Trung ương đã đề nghị với Ban Bí thư đồng ý từ Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 Khoá XII đã tổ chức trực tuyến, có khoảng 220.000 đại biểu tham dự; Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 có 2.700 điểm cầu và hơn 400.000 đại biểu tham dự; Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 có 2.759 điểm cầu và hơn 405.000 đảng viên tham dự. Có nhiều tỉnh, thành uỷ kết nối đường truyền tới cấp huyện và xã.
Việc tổ chức Hội nghị trực tuyến đã khắc phục được độ trễ về thời gian (trước đây tổ chức học trực tiếp ở ba cấp thì phải hết sáu tháng mới xong); mở rộng đối tượng và tăng số lượng cán bộ, đảng viên tham dự, nhận được sự đồng tình, ủng hộ và hoan nghênh của đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân.
           Thời gian qua công tác báo cáo viên cũng được đổi mới tổ chức linh hoạt hơn. Từ chỗ tổ chức Hội nghị trực tiếp đã chuyển dần sang tổ chức các Hội nghị trực tuyến. Tuỳ theo nội dung từng Hội nghị mà quyết định hình thức tổ chức cho phù hợp. Công tác báo cáo viên cũng có nhiều đổi mới từ Trung ương đến cơ sở. Các Hội nghị ở Trung ương do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tổ chức đã mời các đồng chí lãnh đạo và chuyên gia trực tiếp chỉ đạo và soạn thảo nghị quyết, đồng thời chú trọng bám sát tình hình thực tiễn của đất nước khi truyền đạt nên tạo được sự hấp dẫn.
            Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang và những thành tựu tự hào của Ngành đóng góp vào sự nghiệp của Đảng, của dân tộc trong 90 năm qua. Chủ động thông tin tuyên truyền để tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội là một nhiệm vụ quan trọng góp phần vào các thành tựu nổi bật của công tác tuyên giáo từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII đến nay. Với niềm tin vào truyền thống vẻ vang 90 năm qua của Ngành Tuyên giáo, với tinh thần kiên định những quan điểm có tính nguyên tắc và tư duy không ngừng đổi mới thì nhất định trong thời gian tới nhiệm vụ chủ động thông tin tuyên truyền sẽ tiếp tục nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả hơn nữa để góp phần vào việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Ngành Tuyên giáo trong tình hình mới do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng và 100 năm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh./.       
Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Link tham khảo: http://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/90-nam-cong-tac-tuyen-giao-truyen-lua-cach-mang-va-thap-sang-niem-tin-560162.html
Link Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 90 năm ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng: http://www.tuyengiao.vn/ban-can-biet/de-cuong-tuyen-truyen-ky-niem-90-nam-ngay-truyen-thong-nganh-tuyen-giao-cua-dang-128585
 
KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19/8/1945 – 19/8/2020)
           Ý nghĩa thắng lợi lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945
         Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. 
          Khái quát đầy đủ ý nghĩa thắng lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.
           1.Ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945
          Đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp ở Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra bước ngoặt vĩ đại của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Đánh giá về ý nghĩa lớn lao này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”. Tiếp tục nhấn mạnh giá trị đó, trong Bài phát biểu tại khóa họp Xô viết Tối cao Liên Xô nhân kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Mười, ngày 6-11-1957 đăng trên báo Nhân dân, số 1341, ngày 10-11-1957, Người lại khẳng định: “Năm 1945, nhân dân Việt Nam đã làm Cách mạng Tháng Tám, đánh đuổi bọn thực dân ra khỏi đất nước và xây dựng chính quyền nhân dân. Đó là một bước ngoặt trong lịch sử của dân tộc chúng tôi”(3). Thắng lợi này đã chính thức chấm dứt ách đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp đối với nước ta, mở kỷ nguyên độc lập, lần đầu tiên tên nước Việt Nam có tên bản đồ thế giới; đồng thời đã mở ra mối quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới với tư cách và vị thế của một quốc gia - dân tộc có độc lập, có chủ quyền: “Lịch sử dân tộc ta đã có nhiều thời kỳ rất vẻ vang. Nhưng trước ngày Cách mạng Tháng Tám, dân tộc ta đã phải trải qua gần một thế kỷ vô cùng tủi nhục. Trên địa đồ thế giới, tên nước ta đã bị xóa nhòa dưới bốn chữ “Đông Dương thuộc Pháp”. Thực dân Pháp gọi đồng bào ta là lũ Annamít dơ bẩn. Thiên hạ gọi chúng ta là vong quốc nô. Cụ Phan Bội Châu đã phải thốt lên rằng:
Đã lắm lúc bầm gan tím ruột,
Vạch trời cao mà tuốt gươm ra,
Cũng xương, cũng thịt, cũng da,
Cũng hòn máu đỏ, con nhà Lạc Long,
Thế mà chịu trong vòng trói buộc,
Mấy mươi năm nhơ nhuốc lầm than!...
            Cách mạng Tháng Tám thành công. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Nhân dân ta tự làm chủ vận mạng của mình. Tên tuổi của nước ta lại lẫy lừng khắp năm châu, bốn biển”.
            Đối với tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, một mặt, đã góp phần đánh bại tàn dư của chế độ phong kiến và chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa phát xít ở Việt Nam. Về vấn đề này, trong Thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, ngày 19 tháng 8 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cách mạng Tháng Tám đã giải phóng đồng bào ta ra khỏi chế độ quân chủ chuyên chế và xiềng xích thực dân”. Mặt khác, đối với công cuộc xây dựng một chế độ xã hội mới, khác hẳn về chất so với chế độ cũ (phong kiến, thực dân và đế quốc): “Cách mạng Tháng Tám đã xây dựng cho nhân dân ta cái nền tảng Dân chủ Cộng hoà và thống nhất độc lập”.
           Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của ý chí độc lập tự chủ, tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam và là thắng lợi vĩ đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Từ thắng lợi to lớn đó, đã cổ vũ nhân dân ta kiên cường đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 lịch sử. Đất nước hoàn toàn độc lập, người dân được hoàn toàn tự do, hạnh phúc.
            2. Ý nghĩa thời đại Cách mạng tháng Tám năm 1945
          Đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi là tấm gương, là nguồn cổ vũ cho các quốc gia - dân tộc đang mất độc lập tự do ở châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh, nhất là các nước láng giềng noi theo. Khẳng định vị thế, giá trị thời đại của  thắng lợi này, Chủ tich Hồ Chí Minh viết: “Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã làm cho chúng ta trở nên một bộ phận trong đại gia đình dân chủ thế giới. Cách mạng Tháng Tám có ảnh hưởng trực tiếp và rất to đến hai dân tộc bạn là Miên và Lào. Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân hai nước Miên, Lào cùng nổi lên chống đế quốc và đòi độc lập”.
           Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi đã chứng minh một chân lý của thời đại: các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập, tự do; đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân và biết tranh thủ sức mạnh của thời đại thì dân tộc đó nhất định thắng lợi. Vì thế, trong diễn văn kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, Người khẳng định: “Suốt trong 80 năm nước ta bị Pháp chiếm, nhân dân ta từ Nam đến Bắc đã nhiều lần nổi dậy chống giặc ngoại xâm. Nhưng vì bọn vua quan hèn mạt, câu kết với địch, phản nước hại dân, cho nên các cuộc khởi nghĩa đều thất bại. Cách mạng Nga thành công đã thức tỉnh các dân tộc bị áp bức, dạy cho họ cách tổ chức, đấu tranh và giành thắng lợi. Nhờ vậy mà ta có Đảng tiên phong, có Mặt trận dân tộc thống nhất, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân, kiên quyết đấu tranh cho độc lập tự do, làm Cách mạng Tháng Tám thắng lợi. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân dân ta được hoàn toàn giải phóng: Đã phá tan cái xiềng xích nô lệ thực dân, đã đập đổ cái chế độ thối nát của vua quan phong kiến, đã lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Từ đó dân ta làm chủ nước ta”.
            Đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 mang tầm vóc thời đại, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại; giáng một đòn chí mạng vào nền móng của chủ nghĩa thực dân cũ ở vị trí xung yếu nhất; cùng với Liên Xô, các lực lượng tiến bộ trên thế giới và quân đồng minh đánh đổ chủ nghĩa thực phát xít, giữ vững hòa bình cho khu vực và trên thế giới. Tinh thần của chiến thắng lịch sử. Do đó, cũng là chiến thắng chung của các nước trên bán đảo Đông Dương, chiến thắng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Về vấn đề này, Người dẫn lại đánh giá của Báo Nhân dân Inđônêxia: “Chúng ta chỉ có thể bày tỏ sự kính trọng và lòng khâm phục cao nhất đối với nhân dân Việt Nam anh hùng... Với sự chiến đấu anh dũng của họ, nhân dân Việt Nam đã tự đặt mình lên vị trí vẻ vang nhất trên thế giới...”.
Thắng của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đã chứng minh tính cách mạng, khoa học của học thuyết Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa; là sự tiếp nối và là thắng lợi tất yếu sau thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại năm 1917: “Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã chứng minh sự đúng đắn của học thuyết Mác - Lênin về vấn đề dân tộc thuộc địa, đã chứng minh sự đúng đắn của con đường của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại đã vạch ra”(10). Về vấn đề này, trong bài viết Cách mạng tháng Mười Nga mở đường giải phóng cho các dân tộc trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Thực tiễn ở Việt Nam đã chứng tỏ rằng nhờ có sự lãnh đạo của đảng Mác - Lênin mà cách mạng đã thu được thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
          Thời gian đã lùi xa nhưng tầm vóc ý nghĩa thắng lợi, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng tỏa sáng. Đó là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử của dân tộc ta, một dấu mốc lớn trên con đường phát triển trong suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”./.
Nguồn: hochiminh.vn
Link tham khảo: http://hochiminh.vn/tin-tuc/y-nghia-thang-loi-lich-su-cua-cach-mang-thang-tam-nam-1945-1978
 
KỶ NIỆM 53 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ASEAN (08/8/1967 – 08/8/2020)
          Nhân tố quan trọng trong sự phát triển ASEAN
         Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8-8-1967, đến nay phát triển thành một tổ chức hợp tác toàn diện, chặt chẽ gồm 10 quốc gia thành viên và chính thức trở thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31-12-2015. Trong chặng đường phát triển 50 năm lịch sử của ASEAN, Việt Nam ghi một dấu ấn quan trọng.
         ASEAN-10 và Cộng đồng ASEAN
       Bộ trưởng Ngoại giao năm nước Đông - Nam Á là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái-lan và Singapore ký Tuyên bố Bangkok vào ngày 8-8-1967, thành lập ASEAN. Năm 1984, Brunei gia nhập Hiệp hội. Năm 1995, Việt Nam chính thức tham gia ASEAN, trở thành thành viên thứ bảy của Hiệp hội.
          Là thành viên muộn của ASEAN, nhưng từ khi gia nhập tổ chức khu vực này, Việt Nam đã ngày càng trưởng thành, chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của ASEAN với tinh thần trách nhiệm, được các nước đánh giá cao. Việt Nam đã cùng các nước tích cực thúc đẩy việc kết nạp Lào và Myanmar (năm 1997), rồi Campuchia (năm 1999), hiện thực hóa giấc mơ về một ASEAN bao gồm cả mười nước Đông - Nam Á. ASEAN-10 đã mở ra một chương mới cho khu vực và tạo nền tảng thiết yếu cho ASEAN trở thành một tổ chức khu vực toàn diện, liên kết sâu rộng, có vai trò quan trọng ở Đông - Nam Á và Đông Á như ngày nay.
Năm 2015 đánh dấu bước ngoặt mới trong lịch sử phát triển của ASEAN với việc hình thành Cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột: chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Kể từ khi khởi xướng ý tưởng xây dựng Cộng đồng ASEAN, Việt Nam là nước thành viên đạt tỷ lệ hoàn tất lộ trình xây dựng Cộng đồng ở mức cao, mặc dù nguồn lực còn hạn chế.
          Trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, Việt Nam đã tham gia xây dựng, ký kết, phê chuẩn và triển khai Hiến chương ASEAN - công cụ pháp lý và thể chế quan trọng để hỗ trợ ASEAN thực hiện mục tiêu đã đề ra. Những bước tiến trong xây dựng Cộng đồng ASEAN hơn một năm qua cũng có sự đóng góp đáng kể của Việt Nam, thể hiện trong hầu hết các hoạt động hợp tác ASEAN, nhất là góp phần quan trọng vào việc sớm triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025.
          Hội nhập ngày càng sâu rộng, vững chắc
         Trong suốt 22 năm gia nhập ASEAN, kinh tế Việt Nam đã từng bước gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế ASEAN. Với tốc độ tăng trưởng bình quân 14,5%/năm trong thập niên qua, ASEAN đã trở thành đối tác thương mại đứng thứ hai của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với ASEAN tăng từ khoảng 19 tỷ USD năm 2006 lên 41,36 tỷ USD năm 2016. ASEAN là thị trường lớn thứ ba và là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hóa lớn thứ ba cho các doanh nghiệp Việt Nam, là nguồn cung FDI quan trọng của Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 64 tỷ USD, đồng thời là cầu nối cho nhiều khoản đầu tư của các công ty đa quốc gia có trụ sở tại ASEAN.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Maybank KimEng của Malaysia Dato John Chong nhấn mạnh, Việt Nam là địa điểm hấp dẫn thu hút nguồn vốn đầu tư nội khối ASEAN. Ông nói: “Với quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, Việt Nam đang trở thành điểm đến của các nhà đầu tư ASEAN. Họ thấy nhiều cơ hội từ thị trường mua bán, sáp nhập, cổ phần hóa các doanh nghiệp, cũng như tiềm năng trong việc đầu tư tài chính cho các dự án thuộc những lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng và cảng biển ở Việt Nam trong thời gian tới”.
         Theo Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh, Việt Nam có vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển của ASEAN. Kể từ khi tham gia ASEAN, Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác thương mại nội khối với các quốc gia thành viên khác, cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Với việc tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), ký Hiệp định thương mại tự do với Liên hiệp châu Âu (EU) và Liên minh kinh tế Á - Âu…, năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ tận dụng được sức mạnh tập thể của ASEAN, trong khi đó đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và ASEAN cũng sẽ mạnh mẽ hơn.
Đối với Việt Nam, việc gia nhập ASEAN cách đây 22 năm là một trong những điểm đột phá đầu tiên để triển khai phương châm đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa mà Ðại hội Ðảng lần thứ VII đã đề ra. Quyết sách đúng đắn của Ðảng và Nhà nước đã đem lại nhiều lợi ích cho đất nước trong bối cảnh lúc bấy giờ, khi Việt Nam xúc tiến công cuộc đổi mới, khắc phục hậu quả chiến tranh để hướng tới hội nhập khu vực và quốc tế.
Link tham khảo: https://nhandan.com.vn/baothoinay-quocte-hoinhap/nhan-to-quan-trong-trong-su-phat-trien-asean-300297/
 
       III. PHÁP LUẬT
1. Chính sách mới nổi bật có hiệu lực tháng 8/2020
          CSGT được tuần tra xử phạt trên quốc lộ, thực hiện nâng chuẩn giáo viên theo lộ trình, xe chưa cấp biển có thể được tham gia giao thông… là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực trong tháng 08 này.
           1.1. Xe chưa cấp biển có thể được tham gia giao thông
          Nội dung này được quy định tại Thông tư 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an về việc quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
         Theo Thông tư 58 có hiệu lực từ 01/8, xe chưa được đăng ký, cấp biển số chính thức có nhu cầu tham gia giao thông cần tiến hành đăng ký tạm thời.
        Như vậy, chỉ cần đăng ký tạm thời thì các xe chưa có biển được phép tham gia giao thông. Trong khi trước đây, Bộ Công an chỉ cho phép đăng ký tạm thời và tham gia giao thông với trường hợp xe ô tô lưu hành từ kho, cảng, nhà máy, đại lý bán xe đến nơi đăng ký hoặc về các đại lý, kho lưu trữ khác...
        Tuy nhiên, xe đăng ký tạm thời chỉ được phép tham gia giao thông theo thời hạn, tuyến đường và phạm vi hoạt động ghi trong giấy chứng nhận đăng ký xe tạm thời.
           1.2. Thêm 4 trường hợp bị thu hồi đăng ký xe, biển số xe
         Đây tiếp tục là nội dung mới được quy định tại Thông tư 58 của Bộ Công an.
        Từ 01/8, sẽ có thêm 04 trường hợp phải thu hồi đăng ký xe, biển số xe so với quy định cũ, gồm:
       - Xe đã đăng ký nhưng không đúng hệ biển;
       - Xe thuộc diện sang tên, chuyển quyền sở hữu;
       - Xe quân sự không còn nhu cầu cấp biển số xe dân sự;
       - Xe đã đăng ký nhưng phát hiện hồ sơ xe giả hoặc cấp biển số không đúng quy định.
      1.3. Cấp biển số màu vàng cho xe kinh doanh vận tải
     Cũng theo Thông tư 58 năm 2020, biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen sêri biển số sử dụng lần lượt một trong 20 chữ cái sau đây: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z cấp cho xe hoạt động kinh doanh vận tải.
        Ngoài ra, xe đang hoạt động kinh doanh vận tải trước ngày Thông tư này có hiệu lực, thực hiện đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen trước ngày 31/12/2021.
        1.4. Chỉ 4 trường hợp CSGT được dừng phương tiện
        Từ ngày 05/8/2020, khi Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát giao thông (CSGT) có hiệu lực thì chỉ còn 04 trường hợp CSGT được dừng phương tiện.
Cụ thể, gồm:
- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm về giao thông và các hành vi vi phạm khác;
- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
- Có Văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra, văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm… 
           1.5. CSGT cấp huyện được tuần tra, xử phạt trên quốc lộ
Theo Thông tư 65, Công an cấp huyện bố trí lực lượng, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến quốc lộ sau:
- Các tuyến quốc lộ, đoạn quốc lộ không phải tuyến quốc lộ trọng điểm, quốc lộ có tình hình trật tự, an toàn giao thông phức tạp và các tuyến giao thông đường bộ có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
- Các đoạn quốc lộ thuộc các tuyến quốc lộ trọng điểm, đoạn quốc lộ có tình hình trật tự, an toàn giao thông phức tạp và các tuyến giao thông đường bộ có vị trí quan trọng mà đi qua thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện theo kế hoạch của Giám đốc Công an cấp tỉnh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông…
Thông tư có hiệu lực từ ngày 05/8/2020.
           1.6. Thêm nhiều dịch vụ kỹ thuật y tế được BHYT thanh toán
Tại Thông tư 13/2020/TT-BYT Bộ Y tế đã bổ sung thêm nhiều dịch vụ kỹ thuật y tế được Bảo hiểm y tế thanh toán từ 10/8 như:
Nhóm dịch vụ Chụp cắt lớp vi tính 64-128 dãy: Bổ sung trường hợp bệnh nhân chụp mô phỏng lập kế hoạch xạ trị: U não (thân não và/hoặc tiểu não), Ung thư trực tràng, Ung thư tuyến tiền liệt, Ung thư cổ tử cung, Ung thư di căn cột sống; Chụp dựng hình 3D đường dẫn khí; Chụp ngực trên người bệnh suy hô hấp; Chụp toàn thân để đánh giá các giai đoạn của u hoặc đa chấn thương… 
            1.7. Thực hiện nâng chuẩn giáo viên theo lộ trình
Tại Nghị định số 71 năm 2020, Chính phủ đã quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở có hiệu lực từ ngày 18/8/2020.
Những giáo viên thuộc đối tượng được cử đi đào tạo nâng chuẩn trình độ được hưởng nguyên lương và các chế độ, phụ cấp theo quy định. Đồng thời, thời gian đào tạo được tính vào thời gian công tác liên tục.
           1.8. Gia đình quân nhân dự bị được trợ cấp đến 240.000 đồng/ngày
Nghị định 79/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành đã quy định chế độ, chính sách trong xây dựng huy động lực lượng dự bị động viên. Nghị định có hiệu lực từ ngày 21/8/2020.
Ngoài quân nhân dự bị thì gia đình của họ cũng được hưởng trợ cấp, cụ thể:
160.000 đồng/ngày đối với gia đình quân nhân dự bị thuộc diện lao động, học tập, làm việc trong các cơ quan, tổ chức và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước;
240.000 đồng/ngày đối với gia đình quân nhân dự bị không thuộc các đối tượng trên.
Đặc biệt, nếu quân nhân dự bị ốm đau, tai nạn đi khám bệnh, chữa bệnh thì gia đình được hưởng trợ cấp nhưng không vượt quá thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu và huy động.
Link tham khảo: https://luatvietnam.vn/tin-van-ban-moi/chinh-sach-moi-noi-bat-co-hieu-luc-thang-8-2020-186-26127-article.html

              4. Các biện pháp phòng, chống COVID-19 trong tình hình mới:
Bộ Y tế vừa đưa ra khuyến cáo mới nhất phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình hình mới và đề nghị người dân thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh dưới đây:
 1. Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, hoặc bằng dung dịch sát khuẩn có cồn (ít nhất 60% cồn).
2. Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng và đến cơ sở y tế.
3. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, khăn vải, khuỷu tay áo.
4. Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý xây dựng lối sống lành mạnh.
5. Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.
6. Nếu bạn có dấu hiệu sốt, ho, hắt hơi, và khó thở, hãy tự cách ly tại nhà, đeo khẩu trang và gọi cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị.
8. Thực hiện khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn hoặc tải ứng dụng NCOVI từ địa chỉ https://ncovi.vn và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khoẻ của bản thân.
9. Cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19, giúp bảo vệ bản thân và gia đình: https://www.bluezone.gov.vn/.
 
HƯỚNG DẪN: VẬN ĐỘNG CÀI ĐẶT TẬN NƠI
1. Quy trình:
Bước 1: Chào hỏi, giới thiệu và nêu vấn đề thực trạng
“Hiện nay tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Thủ tướng Chính phủ chỉ thị về việc ứng dụng CNTT vào việc phòng chống COVID-19. Bộ TT&TT và Bộ Y tế  yêu cầu người dân và du khách cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone trên điện thoại cá nhân để nhận cảnh báo nếu đã tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19, giảm thiểu các nguy cơ lây lan trong cộng đồng.”
Bước 2: Đảm bảo người dân đã cài đặt ứng dụng
+ Nếu người dân chưa cài thì tiến hành cài đặt trực tiếp theo hướng dẫn đi kèm, sau đó thực hiện bước tiếp theo
+ Nếu người dân đã cài trước đó, thì vẫn thực hiện bước tiếp theo
Bước 3: Kiểm tra đảm bảo ứng dụng Bluezone đã hoạt động đúng, cần thỏa mãn 2 yêu cầu sau:
+ Cán bộ tuyên truyền mở ứng dụng Bluezone trên điện thoại của mình, bấm vào “Quét xung quanh”, ở mục “Ở gần bạn” nhìn thấy Bluezone ID của người dân vừa được cài đặt.
+ Mở ứng dụng Bluezone đã được cài đặt trên máy người dân, bấm vào “Quét xung quanh”, ở mục “Ở gần bạn” tìm thấy Bluezone ID của cán bộ tuyên truyền (xem minh họa ở hình dưới).
Bước 4: Phát tài liệu “Hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone” cho người dân, vận động người dân cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone cho ít nhất 3 người khác và chia sẻ ứng dụng với cộng đồng.
Link tham khảo:  http://chinhsachonline.chinhphu.vn/Chi-tiet-cau-hoi/Cac-bien-phap-phong-chong-COVID19-trong-tinh-hinh-moi/26404.vgp
5. Đề cương tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV:
Link tham khảo: http://www.tuyengiao.vn/ban-can-biet/de-cuong-tuyen-truyen-ket-qua-ky-hop-thu-9-quoc-hoi-khoa-xiv-128837

         

Tác giả bài viết: VP Huyện đoàn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây