Trang tin điện tử tuổi trẻ huyện Hiệp Đức, Huyện đoàn, Hội liên hiệp thanh niên, Hội đồng đội

http://tuoitrehiepduc.vn


Từ vườn rau báo hiếu đến câu chuyện đẹp giữa lòng Tây Đô

Từ vườn rau báo hiếu đến câu chuyện đẹp giữa lòng Tây Đô

Đều đặn khoảng 15h, người ta lại thấy anh chủ quán với gương mặt hiền queo tên Trần Hải Âu (38 tuổi, ngụ quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) chở rau củ về phân loại, chờ bà con tới lấy.

Từ vườn rau báo hiếu đến câu chuyện đẹp giữa lòng Tây Đô - Ảnh 1.

Khu vườn của cha mẹ anh Hải Âu đang trồng vụ rau mới - Ảnh: AN VI

Suốt ba tháng qua, từ chú bán vé số đến cô nhặt ve chai hay những người chẳng may lỡ việc ở khu vực quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) lại tìm đến chiếc bàn chất đầy rau củ miễn phí với những dòng chữ dễ thương: "Miễn phí! Ai cần thì lấy! Ai dư thì cho! Bao nhiêu cũng được, lấy đủ là được! Chúc mọi người bình an!".

Chiếc bàn được đặt tại một quán nước mía ở bờ kè gần cầu Rạch Ngỗng 2 (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), cứ đều đặn khoảng 15h, người ta lại thấy anh chủ quán với gương mặt hiền queo tên Trần Hải Âu (38 tuổi, ngụ quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) chở rau củ từ chợ về phân loại đẹp mắt chờ bà con tới lấy.

Vườn rau thỏa niềm vui tuổi già cho cha mẹ

Trò chuyện với chúng tôi khi chiếc áo còn ướt sũng nước mưa sau khi chở thùng mướp từ chợ Tân An (quận Ninh Kiều) về quán, anh Hải Âu chỉ biết cười lớn vì chẳng hiểu tại sao mình lại làm cái chuyện nhiều người nói là "rảnh rang" này.

Anh Hải Âu cho biết nhà mình hổng giàu, cũng chẳng có ý niệm làm để tích đức, mà từng quả bí, cọng rau bày trên chiếc bàn ấm áp trước quán của anh đến như một cái duyên.

"Năm ngoái tui chuyển hẳn về miệt này để ở và mở quán nước làm ăn, anh chị tui cũng lên đây hết trơn, dưới quê còn có mình cha mẹ nên tui lo lắm. Tui rủ cha mẹ lên ở cùng để tiện chăm sóc và gần con cháu, ngặt nỗi dưới đó hai ông bà làm vườn quen rồi, lên chốn thị thành này rảnh tay rảnh chân chịu hông nổi", anh kể.

Biết được tâm lý cha mẹ, anh Âu quyết định cải tạo 100m2 đất vườn nhà mình ở quận Bình Thủy thành vườn rau, với các luống rau, giàn bầu và nhờ cha mẹ từ quê lên chăm sóc giùm. Cộng thêm hai đứa cháu của anh sáng khóc đòi ông, chiều nũng nịu gọi bà, thế là anh Âu thành công "chiêu mộ" cha mẹ lên chăm miếng vườn nhỏ xíu của mình.
 

Nói là nhỏ nhưng bầu bí mỗi lứa ra liên tục ăn không xuể, cho người này người kia trong xóm mà vẫn còn thừa rất nhiều, nên anh Hải Âu quyết định chở tới quán nước mía bày biện trước cửa tặng bà con có hoàn cảnh khó khăn thêm bữa canh ấm lòng.

"Tui bán ở đây thấy nhiều người đạp xe bán vé số nhiều bữa ế mặt buồn so, tội nghiệp lắm. Chưa kể có nhiều người nhặt ve chai rất cực, nên tôi quyết định mang rau củ nhà trồng tới tặng cho bà con", anh Hải Âu nhớ lại.

Ban đầu, anh Âu cho sợ hông ai lấy, nhưng ngay ngày đầu tiên, chưa đầy một tiếng sạp rau củ miễn phí của anh đã hết sạch. Về kể cha mẹ nghe, hôm sau họ lại tức tốc cắt thêm vài giỏ bầu, mướp rồi kẹp thêm mớ rau sạch nhà trồng, giao cho con trai mần việc tốt.

Trong vòng một tuần, rau củ từ mảnh vườn 100m2 cha mẹ anh Hải Âu chăm sóc đã hết sạch. Anh nói cha mẹ mình tiếc vì không thể trồng nhiều hơn để gửi đến bà con.

Nhớ lại buổi chiều muộn, anh Hải Âu tiếp một ông cụ lụi hụi đạp xe tới xin trái bầu nấu canh. "Trời ơi tui áy náy vô cùng, có 100m2 đâu có phục vụ đủ cho mọi người, cha mẹ tui ở nhà đã gieo lứa mới, nhưng nhanh gì cũng phải cả tháng nữa mới có rau. Bầu, mướp còn lâu hơn nữa. Vậy nên tui quyết định trích tiền lời từ quán của mình để mua thêm rau củ ngoài chợ bày trên sạp 0 đồng này", anh Hải Âu bộc bạch.

Từ vườn rau báo hiếu đến câu chuyện đẹp giữa lòng Tây Đô - Ảnh 2.

Bất kể nắng mưa, anh Hải Âu đều đặn chuẩn bị từng bịch rau củ bày lên chiếc bàn đặt trước quán - Ảnh: AN VI

Có nồi canh ấm lòng những ngày bán ế

Ngày nắng quán anh Hải Âu mở cửa bán từ 15h30, chiếc bàn chất đầy rau củ cũng được đặt ngay ngắn trước quán, chưa đầy 10 phút đã có người tới lấy, họ ngó vào trong thấy anh đang lu bu phục vụ khách thì nói vọng vào: "Cho tui cảm ơn nghen!".

Mấy hôm nay Cần Thơ mưa liên tục, khách ít, không đủ doanh thu để trả tiền nhân viên nên anh Âu quyết định tạm đóng cửa quán. Song, phần anh vẫn chạy ra chợ mua rau củ đều đặn đem đến. Tới giờ anh mở hé cánh cửa, chiếc bàn đong đầy yêu thương lại được mang ra chờ người nhận.

"Cho chị xin hai trái bí dìa nấu canh nghen em!", chị Ngô Tuyết Thanh (42 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều) đứng ngoài cửa tiệm gọi. Người phụ nữ này là hàng xóm của anh Âu, hôm nay trời mưa, không đi chợ mua đồ ăn được nên qua xin trái bí về nấu canh ăn đỡ.

"Nhà tui có bốn người, hai trái bí này nấu được hai nồi canh ăn hôm nay với ngày mai chứ chẳng chơi. Tui biết cái sạp rau miễn phí này của chú Âu lâu rồi mà đâu có khó khăn gì nên hông có qua xin. Hôm nay hông mua đồ ăn được nên tui mới qua đó chứ", chị Thanh kể.

Chị Thanh rời đi chưa lâu, bà Nguyễn Thị Hương (67 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều) dắt chiếc xe đạp bì bõm nước bẽn lẽn vào quán, bà là "mối quen" của sạp rau 0 đồng này.

"Vì quen mình mới ngại đó, xin quài xin quỷ cũng kỳ, mà nay bán ế quá, có trăm tờ hoài chưa hết nên cắn răng vào đây xin chú ấy bịch rau, trái bí gì đó về nấu ăn", bà Hương bộc bạch.

Bà Hương lấy hai trái bí, cho biết chừng này là đủ để bà ăn hai ngày. Bà định về ghé sạp thịt mua 15.000 đồng thịt xay về nấu canh ăn cơm chiều. Mua thêm hai quả trứng để dành ngày mai xào hoặc chiên ăn kèm với bí cho đỡ ngán.

"Nhìn vậy chứ tiện lắm, không có hai trái bí này, tui phải tốn tiền ra chợ mua đồ ăn, mà ra đó làm gì có giá mười lăm hai chục ngàn một bữa. Những ngày mưa gió bán buôn ế ẩm này nhận trái bí tình nghĩa như vậy tui cũng đỡ buồn", bà Hương tâm sự.

Hay trường hợp của ông Minh Phúc (56 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều), dẫn chiếc xe đạp cà tàng ghé sạp, mở bịch ni lông anh Âu vô sẵn hai trái bí lấy ra một trái chừa lại cho người sau. Ông giải thích ăn có mình ên nên không lấy nhiều, để nó già không còn ngon, một trái là đủ cho ông nấu nồi canh ăn cả ngày.

Từ vườn rau báo hiếu đến câu chuyện đẹp giữa lòng Tây Đô - Ảnh 3.

Ngoài rau củ, anh Hải Âu còn làm thêm dưa mắm để tặng bà con - Ảnh: AN VI

Cho tới chừng nào hết nổi thì thôi

Ông Phúc, bà Hương hay bất kỳ người nào tới nhận rau củ miễn phí cũng được anh Âu tặng kèm thêm bịch dưa mắm mình tự làm. Nhiều người nhận rau thi thoảng lại hỏi: "Hôm nay có trứng hông con?", "Nay có gạo, dầu ăn gì không"...

"Hôm nào tui không quá bận sẽ cùng cha mẹ tự tay làm dưa mắm, ra chợ mua chao hay trứng gì đó để tặng kèm bà con. Nhiều khi tặng có bó rau ăn hoài cũng ngán, thêm tí chao, tí mắm cho nó mặn vị", anh Âu giải thích.

Ngày nào ít thì 300.000 đồng tiền rau, ngày nào nhiều có thể lên tới 700.000 đồng, tốn kém là vậy nhưng chưa bao giờ anh Âu có suy nghĩ ngừng lại. "Làm riết nhiều khi như bị ghiền, bữa nào không thấy bà con tới đông là tui buồn, mà tới đông hết nhanh người sau không có tui cũng buồn. Nói chung chắc cái này làm cho tới chừng nào hết nổi thì thôi", anh cười nói.

Anh thay đổi các loại rau củ hằng ngày để bà con đỡ ngán, cũng là cách mua được nhiều rau hơn vì mỗi ngày giá các loại sẽ khác nhau. Nhiều chủ sạp trong chợ thấy mến anh, lâu lâu lại góp bịch rau 5kg, 10kg gửi đến bà con.

Có ngày tặng 60kg, cũng nhiều ngày gần cả trăm kg nhưng chẳng thấm thía vào đâu, lúc nào cũng còn người tới hỏi. Thậm chí, nhiều hôm hết rau, thấy bà con tội quá, anh Âu xuống bếp của quán gom hết những gì có thể ăn được mang tặng.

Anh nhớ có lần một cô bán vé số thấy anh đóng cửa quán mà vẫn phát rau, cô hỏi thì anh giải thích do mưa bán lỗ nên tạm đóng.

"Vậy là cổ chìa ra tờ "1 xị" đưa cho tôi, kêu hùn vô sạp rau. Nghĩ coi tin được không, bả là người nhận rau nhiều nhất mà còn tử tế như vậy hỏi làm sao tui đành lòng ngừng sạp rau này được cơ chứ", anh Âu cười nhưng đôi mắt rươm rướm nhìn vào sạp rau đã hết sạch sau gần hai tiếng bày ra.

Tác giả bài viết: Nguồn: tuoitre.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây