Trang tin điện tử tuổi trẻ huyện Hiệp Đức, Huyện đoàn, Hội liên hiệp thanh niên, Hội đồng đội

http://tuoitrehiepduc.vn


Góp yêu thương, giao mầm thiện

Góp yêu thương, giao mầm thiện
Về Bình Lâm, bàn chuyện công tác từ thiện, hẳn không ai không biết đến ông Lê Công Ôn. Người dân quê tôi hay gọi ông bằng cái tên thân thương là: ông Hội từ thiện.
Ông làm mọi việc, từ kêu gọi hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho người nghèo, đường bê-tông nông thôn cho bà con địa phương; kêu gọi trao học bổng cho học sinh; tự nguyện làm “xe cứu thương” chở các bệnh nhân đau ốm, tai nạn đến bệnh viện cấp cứu; lắng nghe mọi tâm tư, nguyện vọng của những mảnh đời bất hạnh… Thật không ngoa khi bà con ví von ông là “ông Bụt đất Bình Lâm”.

Gần 15 năm qua, đôi chân ông rong ruổi khắp các làng, thôn không những trên địa bàn xã mà còn cả những địa phương lân cận, tìm hiểu và giúp đỡ không biết bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn. Điển hình là việc cất nhà cho những người nghèo, người neo đơn. Công tác vận động quả thực không đơn giản chút nào, nhất là trong những ngày đầu tiên ông bước vào công việc thiện nguyện. Vậy mà, suốt những năm qua, đã có hàng chục căn nhà mới khang trang, sạch đẹp được dựng lên do chính ông Hội bỏ công đi vận động từ bạn bè và các nhà hảo tâm.
Cất nhà thường cần kinh phí lớn, song không phải lúc nào cũng nhất nhất nhận đủ tiền ông mới thực hiện. Đơn cử như chuyện ông xây nhà cho ông Trịnh Ký Phú thuộc diện hộ nghèo, sống một mình tại thôn Nhì Tây thời gian gần đây. Trường hợp ông Phú, ông đã huy động được 60 triệu đồng. Một số doanh nghiệp đã hứa hỗ trợ, tuy nhiên do ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19, kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên việc giải ngân vì thế cũng bị trì trệ. Trong khi đó, nhà ông Phú ngày một xuống cấp trầm trọng, buộc lòng ông phải chủ động thời gian, tự đứng tên mua nợ vật liệu, thuê thợ xây dựng và mượn tiền nhà để trả nhân công chứ không dám hối thúc. Lo nhà cửa tươm tất, ông còn lo luôn cả đoạn đường đi vào hẻm nhà ông Phú vì đường xuống cấp nhiều, lởm chởm đá. Nói chung, với ông, hễ thấy việc gì cần là ông liền ra tay.

Ngoài biệt danh ông Bụt, ông còn được mệnh danh là “trung tâm cứu người bị nạn”. Ở đâu xảy ra tai nạn, ông đều là một trong những người đầu tiên được báo tin. Bởi bất cứ khi nào, làm gì, hễ nghe chỗ nào xảy ra tai nạn giao thông là ông lại đến. Ngay cả những lúc ở rất xa hiện trường nhưng ông Ôn vẫn nhiệt tình và xem công việc cứu người là “nghiệp” của mình. Nhờ sự kịp thời của ông mà nhiều nạn nhân được cứu sống hoặc sớm qua cơn nguy kịch.
Không chỉ là ân nhân của người nghèo, người bị tai nạn giao thông, ông còn là ân nhân của nhiều trẻ nhỏ. Khi hai phu vàng nhí trốn thoát khỏi bãi vàng Phước Sơn được người dân Bình Lâm cưu mang, giúp đỡ, ông biết chuyện tới tận nơi, bảo người làng nấu cơm cho các em ăn no lại còn bỏ tiền túi mua quần áo cho hai em, vận động quyên góp tiền để đưa các em về tận nhà. Tấm lòng nhân nghĩa và hào hiệp của ông thật đáng ngưỡng mộ và cảm phục. Với các cháu học sinh nghèo hiếu học trong xã, năm nào ông cũng kêu gọi nhà hảo tâm trao tặng học bổng, sách vở, đồ dùng học tập nhân dịp khai giảng hoặc bế giảng năm học. Ba năm nay, mặc dù ông đã thôi công tác ở Hội Khuyến học của xã nhưng ông vẫn tích cực tham gia nhiều hoạt động khuyến học của Hội. Sau cơn bão tháng 10 vừa qua, ông đã huy động từ nhiều nguồn khác nhau hỗ trợ cho Hội khuyến học huyện 130 triệu giúp đỡ không ít những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. Ở độ tuổi 70, lòng nhiệt huyết và tấm lòng vì mọi người không lúc nào nguôi thôi thúc ông cho phép bản thân mình dừng lại.

Cũng như bao người, hằng ngày ông vẫn ngược xuôi với công việc và cuộc sống mưu sinh thường nhật nhưng ông vẫn luôn dành thời gian cho công tác từ thiện. Ông gần như không có thời gian rảnh bởi lúc nào ông cũng “tìm” việc để làm. Ông thường được mọi người gọi vui là người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Đến mùa bão lụt, ông Hội hầu như không ở nhà. Ông lặn lội khắp thôn, xã xem nhà nào tốc mái, sập tường để kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ. Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ những thiệt hại đau lòng về người và của mà cơn bão số 9 – Molave xảy ra hồi tháng 10 năm 2020 đã gây ra cho các tỉnh miền Trung nói chung, Quảng Nam nói riêng. Xã Bình Lâm tuy may mắn không chịu bất kì thiệt hại nào về người nhưng ảnh hưởng về của, đặc biệt là tình trạng tốc mái, hư hỏng nhà dân lại khá nặng nề. Không đứng ngoài cuộc, ông nhanh chóng bắt tay vào việc với số tiền huy động được lên đến trên 700 triệu đồng – con số khó có ai nghĩ rằng một lão nông chân quê chất phác như ông ở vùng quê Hiệp Đức xa xôi này lại có thể làm được. Số tiền này đã được ông chuyển lại cho chính quyền để hỗ trợ xây mới 02 ngôi nhà và sửa chữa hàng chục ngôi nhà khác, giúp địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão. Cứ như thế, không ai bảo, không ai nhờ, không tổ chức hay cơ quan vận động, tự trái tim người đàn ông này luôn lặng lẽ một mình đến với những người gặp rủi ro, hoạn nạn bằng tấm lòng thơm thảo nhất.

Nhắc chuyện “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” về ông, tôi nghĩ không thể không nhắc đến đóng góp của ông với công tác môi trường tại địa phương hồi đợt Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Thông thường, công ty môi trường sẽ tiến hành thu gom, vận chuyển rác tại địa phương 2 lần/tuần. Tuy nhiên, khoảng thời gian trước và sau Tết, việc ngừng thu gom đột ngột và kéo dài hơn 1 tháng trời khiến lượng rác thải sinh hoạt ùn ứ và bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Không thể làm ngơ trước hiện trạng trên, ông chủ động xắn tay vào việc xử lý rác. Một mặt vận động, một mặt ông cùng bà con thôn xóm thu gom, dọn quét, đốt rác, làm hố chôn rác… Chỉ sau khoảng ba ngày, lượng lớn rác thải trên toàn xã đã được “giải phóng” thành công, trả lại mỹ quan sạch đẹp cho Bình Lâm – một việc khó ai nghĩ tới khi nhìn những đống rác nhếch nhác ngổn ngang khắp nơi.
Chuyện về ông Hội từ thiện thì kể cả ngày cũng không hết. Mười mấy năm làm công tác thiện nguyện, mọi thứ đều được ông công khai minh bạch, rõ ràng. Ông kể: “Ai hỗ trợ, tôi đều yêu cầu họ ghi vào sổ vàng, ký tên đầy đủ mới nhận. Còn người nhận, tôi cũng bảo viết lời cảm ơn, ký tên vào sổ. Đồng tiền mạnh thường quân, bạn bè hỗ trợ, mình phải đưa tới đúng địa chỉ người nhận, phải tạo được lòng tin ở người cho lẫn người nhận mới được”. Nhờ lòng tin ấy mà công tác từ thiện của địa phương, từ ngày có ông, việc vận động diễn ra suôn sẻ hơn. Ngoài vận động, quyên góp, trước đây mỗi năm, nguồn phụ cấp hội của ông khoảng mười mấy triệu, ông không nhận mà dành toàn bộ góp vào quỹ khuyến học của xã. Thiện từ tâm mà nên. Ở mảnh đất còn nhiều khó khăn như Bình Lâm, tấm lòng thiện nguyện của ông thật đáng trân trọng.

Thầm lặng cống hiến cho xã hội, những người làm công tác từ thiện như ông Ôn chưa bao giờ nghĩ rằng mình là tấm gương tỏa sáng bởi đơn giản họ đang làm những việc rất đời thường. Nhưng thực tế, đó là những việc không phải ai cũng làm được nếu không có tấm lòng vì mọi người “sống trong đời sống, cần có một tấm lòng…”TCS). Ở cái tuổi thất thập, bước chân ông vẫn đều đặn trên mọi nẻo đường của Bình Lâm để tìm, để hiểu và để giúp những người khốn khó. Viết về ông, tôi lại mường tượng lại hình ảnh một con người quắc thước, vầng trán cao, tính tình cương trực nhưng dễ mến, dễ gần. Tôi cũng ấn tượng mãi với nụ cười hồn hậu và lúc nào tràn đầy năng lượng từ ông. Mong rằng, xã Bình Lâm nói riêng và quê hương Hiệp Đức nói chung, sẽ có nhiều hơn nữa những tấm lòng như vậy, để cuộc đời này thêm nhiều đóa sen ngát hương và vang mãi khúc ca yêu thương…/.

Tác giả bài viết: Trương Lê Minh Hải

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây