Trang tin điện tử tuổi trẻ huyện Hiệp Đức, Huyện đoàn, Hội liên hiệp thanh niên, Hội đồng đội

http://tuoitrehiepduc.vn


"Bà tiên" làm lành những "vầng trăng khuyết"

"Bà tiên" làm lành những "vầng trăng khuyết"

“Dạy trẻ bình thường đã khó, dạy cho những đứa trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ còn khó hơn. Hơn chục em trình độ khác nhau, tiếp thu rất chậm, có em bị khoèo tay không cầm được bút, có em tôi dạy hàng tháng ròng mới viết được chữ O tròn trịa.”

Lời chia sẻ trên đến từ một cụ bà năm nay đã bước sang tuổi 90, da mồi, mái tóc bạc trắng như cước. Người giáo viên đặc biệt ấy là bà Hồ Hương Nam (cựu giáo viên Trường THCS Hoàng Hoa Thám).

Bà Hồ Hương Nam là người gốc Huế. Thời kỳ đất nước vẫn còn khói lửa chiến tranh, bà trong diện được tập kết ra Bắc. Trong thời gian này, bà học và tốt nghiệp lớp đào tạo sư phạm cấp tốc rồi được phân công giảng dạy tại một số ngôi trường trên địa bàn Thủ đô Hà Nội trước khi giảng dạy tại Trường THCS Hoàng Hoa Thám (quận Tây Hồ).

Năm tháng gắn bó với nghiệp “gõ đầu trẻ”, được đi, tiếp xúc nhiều với những mảnh đời khó khăn nên bà Nam có cơ hội hiểu hơn sự vất vả của trẻ khuyết tật. Sau mỗi chuyến đi, lòng thương cảm của người giáo viên lại được hun đúc.

Bà Nam cũng tự nhủ bản thân phải làm được một điều gì đó để có thể giúp những phận đời “vầng trăng khuyết” ấy bớt le lói, đau buồn. Thế nhưng, bà Nam bảo, lúc ấy đành “lực bất tòng tâm” vì điều kiện chưa cho phép.

Sau nhiều đêm trăn trở, bà quyết định phải mở lớp dạy chữ miễn phí. Học sinh của lớp học đó sẽ chính là những đứa trẻ có khiếm khuyết về trí tuệ. Thế nhưng, từ lý thuyết đến thực tiễn không phải lúc nào cũng giống nhau.

Bà Nam vạch ra đường hướng chi tiết để lần lượt tháo gỡ những khó khăn. Về địa điểm học tập, bà đề đạt ý kiến và được chính quyền hỗ trợ địa điểm mở lớp. Trong khi đó, để trẻ có thể đến lớp, bà Nam không quản nắng mưa đến từng nhà vận động, thuyết phục từng người.

Sau những khó khăn vất vả, “trái ngọt” đầu tiên đã đến với bà Nam khi vào năm 1997, lớp học tình hương bao năm bà ấp ủ đã được mở tại trụ sở tuần tra phường An Dương (quận Tây Hồ) với chỉ vỏn vẹn 2 học sinh.

Trời không phụ lòng người khi 2 trẻ theo học tại lớp của bà Nam có những tiến triển rõ rệt. Phụ huynh trẻ cũng cảm nhận được cái tâm của bà nên yên tâm gửi gắm nhờ bà dạy dỗ. Sau này, “tiếng lành đồn xa”, số lượng người đưa trẻ đến học tập tại lớp học của bà Nam ngày một đông.

Bà Nam đứng lớp không chỉ giảng bài bằng bảng đen, phấn trắng, mà bà phải đến tận nơi uốn từng nét chữ một cho từng em. Học sinh cũ thì bà giao bài tập, học sinh mới bà ngồi cạnh tỉ mỉ kèm cặp từ đầu. Với mỗi em, bà lại dạy theo phương pháp khác nhau.

Những em bị câm điếc, bà sẽ dạy cho chúng cách viết, học sinh khiếm thị thì bà sẽ dạy cho chúng phương pháp nghe. Bà Nam bảo, bản thân bà cũng phải tự mình học ký hiệu ngôn ngữ cơ thể ở cơ sở khuyết tật với chứng chỉ xuất sắc để về chỉ dạy cho các em ở lớp học của mình.

Theo bà Nam, dạy trẻ khiếm khuyết ngoài tình thương, kiên nhẫn, điều cần thiết nữa là sự thường xuyên. Là một nhà giáo, bà Nam hiểu rằng, việc học nếu gián đoạn sẽ phải bắt đầu lại từ con số 0.

Chính vì thế nên ngay cả những khi thay đổi thời tiết, người yếu, bà Nam vẫn đến lớp đều đặn. Đó cũng được xem như là một cách để bà Nam làm gương cho học trò.

Sự kiên trì của bà Nam sau nhiều năm cũng đã được trả công xứng đáng bằng việc những đứa trẻ thiểu năng đã biết viết, biết đọc. Có em học sinh bị liệt chân tay cũng đã đọc viết tinh thông… Sự thay đổi đó khiến phụ huynh các em vui mừng khôn xiết. 25 năm đằng đẵng trôi, bà Nam chia sẻ rằng, bản thân cảm thấy vui khi được chứng kiến nhiều học trò tiến bộ từ lớp học của mình.

“Tôi nhớ mãi ngày 20/11 đặc biệt đó. Khi ấy tôi vừa bước chân vào lớp thì cháu lớp trưởng giấu một bông hoa hồng đã chuẩn bị từ trước ở phía sau lưng và chạy lên tặng tôi kèm câu nói “hôm nay là ngày của bà, cháu có bông hoa tặng bà”. Sau đó, cả lớp cùng ùa lên để tặng tôi những bông hoa tươi thắm kèm những lời cảm ơn.

Dù câu nói chưa được “tròn vành, rõ chữ” nhưng đó là những âm thanh khiến tôi rất cảm động và bật khóc như một đứa trẻ. Sau này, tôi mới biết đó đều là những bông hoa được các em dành dụm tiền ăn sáng để mua tặng tôi”, bà Nam xúc động nhớ lại.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây