Học Bác giáo dục thiếu niên và nhi đồng
- Thứ ba - 26/06/2018 15:38
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tình yêu của Bác còn được thể hiện rõ trong những bài thơ chúc Tết Trung thu được Bác viết trong những năm về sau… Vẫn đầy ắp tình yêu thương dành cho con trẻ, vẫn là những lời căn dặn hết sức gần gũi, thân thương, các em như được bồi đắp tinh thần yêu nước, khí phách kiên cường đấu tranh vì nền độc lập của nước nhà. “Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng” và Bác “Mong các cháu cố gắng/ Thi đua học và hành/ Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình/ Để tham gia kháng chiến/ Để giữ gìn hòa bình/ Các cháu hãy xứng đáng/ Cháu Bác Hồ Chí Minh”. Mỗi lần đọc những vần thơ Bác viết cho thiếu nhi, trẻ em như được sống trong tình thương yêu của Bác, như được nghe lời Bác dặn dò nỗ lực học tập, vươn lên trở thành con ngoan trò giỏi, chủ nhân tương lai của quê hương, đất nước.
Bác đã đi xa, nhưng thực hiện lời dạy của Người, từ trong đạo lý truyền thống đến các chủ trương, chính sách cụ thể của Đảng và Chính phủ, chúng ta luôn dành cho trẻ em mọi ưu tiên, mọi sự che chở, bảo vệ cao nhất. Nhà nước đã chi những khoản tiền rất lớn để chăm sóc, giáo dục trẻ em từ khi còn trong bào thai cho đến khi trưởng thành mà việc chăm sóc, giáo dục trẻ em còn là một phong trào xã hội rộng lớn mang lại hiệu quả thiết thực và vô cùng quan trọng. Mỗi năm, nhân dân đã chi hàng nghìn tỷ đồng vào việc dạy dỗ, bảo vệ sức khỏe cho con em. Các đoàn thể xã hội, cơ quan, xí nghiệp, các nhà hảo tâm đã góp hàng triệu mét vuông đất xây trường, nơi vui chơi cho các em và hàng ngàn tỷ đồng lập quỹ khuyến học, quỹ học bổng, các giải thưởng cho những ý tưởng sáng tạo, giúp đỡ trẻ em nghèo vượt khó. Xã hội ta luôn dành những điều kiện tốt nhất để trẻ em vui chơi, học hành. Hàng năm nước ta có tháng hành động vì trẻ em, trong đó có chứa những thông điệp của chương trình “Bảo vệ trẻ em; an toàn hôm nay, bền vững tương lai”; “Roi vọt không làm trẻ con nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng”. Trẻ em tham gia các diễn đàn “Trẻ em với quyền trẻ em”... Thực tế có rất nhiều em đã trưởng thành và có nhiều đóng góp trong phong trào “Cháu ngoan Bác Hồ” mà điển hình là những tấm gương được biểu dương, tôn vinh trong Đại hội “Cháu ngoan Bác Hồ” hàng năm.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được vẫn còn những yếu kém trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Thật đau lòng khi còn nhiều nguy cơ như trẻ em chưa được chăm sóc sức khỏe tốt; trẻ em bị bóc lột và lạm dụng kể cả lạm dụng tình dục; trẻ em lang thang, hư hỏng vì bị bạo hành, ngược đãi và những bất hạnh khác…
Ngày 15/5/1961, kỷ niệm 20 năm thành lập Đội Thiếu niên tiền phong, Bác gửi đến lá thư và thiếu nhi cả nước đã đón nhận 5 lời dạy thiêng liêng của Người, xem như đó là mục tiêu để phấn đấu, là tiêu chuẩn để đánh giá đội viên tiêu biểu:
Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào;
Học tập tốt, lao động tốt;
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt;
Giữ gìn vệ sinh;
Thật thà dũng cảm.
Bác căn dặn: Mai sau, các cháu sẽ là chủ của nước nhà, cho nên ngay từ nay các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Năm 1964 sau khi Bác nghe bà Lê Thu Trà báo cáo về tình hình thiếu nhi, Bác nói: “Thời gian qua các cháu làm được nhiều việc tốt, nhiều cháu được Bác khen thưởng Huy hiệu của Bác. Động viên khen thưởng các cháu là việc nên làm, cần phải làm. Nhưng được khen nhiều các cháu cũng dễ sinh tự kiêu, tự mãn, vì vậy Bác muốn thêm hai chữ “khiêm tốn” vào điều 5, thành: Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Bác nói tiếp: “Ba điều trên 6 chữ, hai điều dưới chỉ có 4 chữ, nay thêm hai chữ "khiêm tốn" vào điều 5, còn điều 4 chỉ có 4 chữ: “Giữ gìn vệ sinh”, mới giữ gìn vệ sinh thôi chưa đủ, với các cháu cần phải giữ gìn vệ sinh thật tốt. Bác thêm hai chữ “thật tốt” vào điều 4”. Như vậy 5 điều của Bác đều có 6 chữ, đủ nghĩa và để các cháu dễ nhớ.
Bác Hồ bận trăm công nghìn việc, nhưng lúc nào Bác cũng nhớ đến các cháu thiếu niên, nhi đồng, dặn dò các cháu từng li từng tí. Bà Lê Thu Trà kể rằng: Trong một lần bà chuẩn bị cho Bác một bài báo về tình hình công tác thiếu nhi, có đoạn: “... Song còn một số ít cháu hư vì chưa được chăm sóc, dạy dỗ đến nơi đến chốn”, đọc đến đây Bác dừng lại, nét mặt đăm chiêu, Bác nói: “Nói các cháu hư thì nó sẽ hư mãi. Với các cháu không nên khẳng định là các cháu hư mà nói là các cháu chậm tiến. Chậm tiến tức là chưa tiến bộ, mà chưa tiến bộ, được sự chỉ bảo dìu dắt, giúp đỡ, các cháu sẽ tiến bộ”.
Còn nhớ trong thư Bác Hồ gửi Hội nghị cán bộ phụ trách thiếu nhi tháng 11/1949, Bác căn dặn: “Cách dạy trẻ cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, chuộng lao động, giữ kỷ luật, biết vệ sinh, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính cách vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hoá ra những người “già sớm”. Trong lúc học cũng cần làm cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần cho chúng học. Ở trong nhà, ở trường học, ở xã hội chúng đều vui, đều học... Giáo dục thiếu nhi là một khoa học. Vậy các bạn phải cố gắng học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm để tiến bộ mãi”. Việc học của các cháu được Bác Hồ đặc biệt quan tâm. Ngay từ buổi khai trường đầu tiên khi nước nhà mới giành được độc lập, Bác đã căn dặn: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần rất lớn ở công học tập của các em”.
Tình cảm của Bác đối với thiếu niên, nhi đồng mênh mông như biển cả. Trước lúc đi xa, Bác còn “để lại muôn vàn tình thân yêu... cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Chúng ta đang học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng, thực hiện tốt kế hoạch tháng hành động vì trẻ em, giúp các cháu vươn lên trở thành con ngoan trò giỏi, chủ nhân tương lai của quê hương, đất nước.
Trần Công Huyền
Theo Tạp chí Xây dựng Đảng